Ông James Harrison, 81 tuổi, hiến máu suốt 6 thập kỷ qua và lần cuối cùng ông hiến máu là vào hôm 11/5. Được ví như “người đàn ông có cánh tay vàng”, Harrison đã hiến máu hơn 1.100 lần, cứu sống được 2,4 triệu trẻ em, theo Hội Chữ thập đỏ Úc.
Đây cũng là lần hiến máu cuối cùng của ông bởi ông đã bước sang tuổi theo quy định của Tổ chức chữ thập đỏ Australia không được cho máu.
Sau hơn một thập niên hiến máu toàn phần (lượng máu lấy ra gồm cả hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu và huyết tương), những kháng thể đặc biệt của ông Harrison đã được phát hiện và ông chuyển sang hiến huyết tương.
Các bác sĩ phát hiện huyết tương của ông chứa một kháng thể anti-D hiếm và rất mạnh, có thể cứu sống các bé sơ sinh bị chứng thiếu máu tán huyết (HDN) do bất đồng yếu tố Rh với mẹ.
Bệnh này có thể phát triển khi người mẹ và thai nhi có nhóm máu không tương thích. Người mẹ sản xuất kháng thể tấn công các tế bào hồng cầu em bé đang phát triển. Những biến chứng nghiêm trọng của HDN có thể dẫn tới suy tim, tổn hại não và thậm chí tử vong.
Nguyên nhân khiến cơ thể ông Harrison có khả năng sản xuất kháng thể hiếm một cách tự nhiên như vậy có lẽ từ sau khi ông được truyền máu với số lượng lớn ở tuổi 14. Sau khi truyền máu, hệ thống miễn dịch của ông tự điều chỉnh nồng độ kháng thể cao đối với các tế bào máu dương tính. Điều này có nghĩa là bản thân ông Harrison có Rh- trong máu.
Ông Harrison tiếp tục hiến máu suốt hơn 60 năm, giúp tạo ra hàng triệu liều anti-D. Có đến 17% phụ nữ mang thai ở Úc cần anti-D, người ta tính được rằng, ông Harrison đã cứu 2,4 triệu em bé từ đó tới nay.
Tới nay, khi đã hơn 80 tuổi, ông Harrison cần ngừng hiến máu vì đã vượt quá giới hạn tuổi đối với những người hiến máu ở Úc và Hội Chữ thập đỏ Úc cho biết ông nên ngừng hiến tặng máu để bảo vệ sức khỏe của mình, theo tờ Sydney Morning Herald.
Các bác sĩ bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu xuất hiện; có thể một ai đó trong số họ sẽ là một James Harrison thứ hai. Hiện ở Úc chỉ có 200 người hiến đủ tiêu chuẩn cho chương trình anti-D.