Thứ bảy, 18/01/2025 | 03:29
RSS

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

Chủ nhật, 17/11/2024, 12:51 (GMT+7)

Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Zuha Siddiqui, 30 tuổi, là nhà báo sống tại Karachi (Pakistan). Cô làm việc tự do, đưa tin về các chủ đề bao gồm công nghệ biến đổi khí hậu và lao động ở Nam Á trên các ấn phẩm địa phương và quốc tế Mặc dù có kế hoạch về một ngôi nhà của riêng mình, nhưng Zuha là một trong số ngày càng nhiều người trẻ ở Nam Á không nghĩ đến việc có con.

“Xu hướng trên tạo ra một thách thức về nhân khẩu học đang bao trùm Nam Á. Giống như nhiều nơi khác trên thế giới tỷ lệ sinh ở đây đang giảm. Nhìn chung, để thay thế và duy trì dân số hiện tại, cần có tỷ lệ sinh là 2,1 trẻ em/phụ nữ”, Giáo sư Khoa Nhân chủng học Ayo Wahlberg tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết.

Theo ấn phẩm năm 2024 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, ở Ấn Độ, tỷ lệ sinh năm 1950 là 6,2 đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 2; dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,29 năm 2050 và chỉ còn 1,04 vào năm 2100. Tỷ lệ sinh ở Nepal hiện chỉ là 1,85 và ở Bangladesh là 2,07.

Điều kiện kinh tế suy giảm

Ở Pakistan, tỷ lệ sinh vẫn cao hơn mức thay thế là 3,32 cho đến nay nhưng rõ ràng là những người trẻ tuổi đang chịu áp lực của cuộc sống hiện đại. “Quyết định không sinh con của tôi hoàn toàn là vì lý do tiền bạc”, Siddiqui nói. Tuổi thơ của Siddiqui được đánh dấu bằng sự bất ổn về tài chính.

Một số người bạn của cô ở độ tuổi 30 cũng quyết định không sinh con. Mặc dù, bố mẹ cho cô đến những trường học tốt, nhưng chi phí cho giáo dục đại học hoặc sau đại học không được tính đến và phụ huynh ở Pakistan thường không dành tiền cho con học đại học.

Tuy còn độc thân, nhưng Siddiqui nói rằng quyết định không sinh con của cô sẽ vẫn đúng ngay cả khi cô có người yêu. Cô đưa ra quyết định ngay sau khi bản thân trở nên độc lập về tài chính ở độ tuổi giữa 20.

Lạm phát cao, chi phí sinh hoạt tăng cao, thâm hụt thương mại và nợ đã làm mất ổn định nền kinh tế Pakistan trong những năm gần đây. Ngày 25/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt chương trình cho nước này vay 7 tỷ USD.

Giống như nhiều người trẻ tuổi ở Pakistan, Siddiqui vô cùng lo lắng về tương lai và khả năng chi trả cho mức sống trên trung bình.

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Không chỉ Pakistan, hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài. Trong khi đó, khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu vẫn tiếp diễn, các cặp đôi thấy rằng họ phải làm việc nhiều giờ hơn trước, khiến không còn nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân hoặc dành thời gian cho con cái.

Một nghiên cứu đối với nhân viên CNTT tại Hyderabad (Ấn Độ) của nhà xã hội học Sharmila Rudrappa được công bố năm 2022 về “vô sinh ngoài ý muốn”. Nghiên cứu này xem xét cách các cá nhân có thể không bị vô sinh sớm trong cuộc đời nhưng có thể đưa ra những quyết định khiến họ bị vô sinh sau này do hoàn cảnh.

Những người tham gia nghiên cứu nói rằng, họ không có thời gian để tập thể dục; không có thời gian để tự nấu ăn; và chủ yếu là không có thời gian cho các mối quan hệ. Công việc khiến họ kiệt sức, không có nhiều thời gian cho sự gần gũi về mặt xã hội hoặc tình dục.

Một người được gọi là Mehreen, 33 tuổi, đến từ Karachi, đồng cảm sâu sắc với điều này. Cô sống với chồng cũng như cha mẹ chồng và ông bà.

Cả Mehreen và chồng đều làm việc toàn thời gian và nói rằng họ “đang phân vân” về việc có con hay không. Về mặt tình cảm, họ nói rằng họ muốn có con nhưng về mặt lý trí, đó lại là chuyện khác.

Họ gần như chắc chắn sẽ không sinh con vì ngại chi phí tốn kém, sau đó là sự phân chia giới tính. Đó là việc xã hội kỳ vọng người mẹ phải dạy con cái, thay vì người cha mặc dù cả 2 đều kiếm tiền nuôi gia đình.

Giống như Mehreen, nhiều người Nam Á lo lắng về việc nuôi dạy con cái trong một thế giới bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu, nơi mà tương lai có vẻ không chắc chắn.

Trẻ em ngồi trên xích đu ở Karachi, Pakistan. Ảnh: Reuters

Đưa trẻ em vào một thế giới đổ vỡ

Trong tập tiểu luận có tên Apocalypse Babies, tác giả - giáo viên người Pakistan Sarah Elahi đã ghi chép lại những khó khăn khi làm cha mẹ hiện nay với nỗi lo về khí hậu chi phối mối quan tâm của trẻ em và thanh thiếu niên.

Cô viết về việc biến đổi khí hậu là một vấn đề bị bỏ qua trong suốt thời thơ ấu của cô ở Pakistan. Tuy nhiên, với nhiệt độ toàn cầu tăng cao, cô nhận thấy chính con cái và học sinh của mình ngày càng phải sống trong nỗi lo liên tục.

Cảm nghĩ của Elahi đúng với nhiều người. Từ sự gia tăng các chuyến bay bị nhiễu động đến những đợt nắng nóng thiêu đốt và lũ lụt chết nhiều người hơn, những tác động tàn phá của thiệt hại môi trường đe dọa khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn trong những năm tới, theo các chuyên gia và tổ chức gồm Save the Children.

Một số nhà văn và nhà nghiên cứu, gồm người có liên quan với tổ chức nghiên cứu Atlantic Council của Mỹ và Đại học College London (UCL) của Anh, đều đồng ý Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Báo cáo Chất lượng không khí thế giới năm 2023 do nhóm khí hậu Thụy Sĩ IQAir công bố cho thấy các thành phố ở các quốc gia Nam Á gồm Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ có chất lượng không khí tệ nhất trong số 134 quốc gia được theo dõi.

Trong khi đó, phụ nữ mang thai hít phải không khí ô nhiễm cũng có thể cản trở sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, báo cáo còn xác định mối liên hệ giữa chất lượng không khí kém và tình trạng trẻ nhẹ cân, sảy thai và thai chết lưu. Đối với những phụ nữ trẻ như Siddiqui và Mehreen, tất cả những điều này chỉ là thêm lý do để không sinh con.

Hải Yến
Theo Giáo dục & Thời đại