Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:21
RSS

Hoảng hồn với công nghệ ‘hô biến’ vịt con chết thành chim sẻ thơm ngon

Thứ hai, 31/10/2016, 14:37 (GMT+7)

Thay vì dùng chim sẻ, bồ câu nhiều tiểu thương đã biến vịt con chết, thải loại thành món chim quay vàng ươm, ngon giòn nhưng ngậm đầy hóa chất.

Vịt con 'phù phép' thành chim sẻ

Công nghệ chế biến tinh xảo hô biến vịt con chết, chim cút thải loại thành món chim sẻ quay vàng ươm đã được báo chí ‘bóc mẽ’ trần trụi cách đây vài năm. Nhưng sau một thời gian im ắng, gần đây, phương thức buôn bán lật lọng, gian thương này lại xuất hiện, trắng trợn và lừa người tiêu dùng tinh vi hơn.

Theo quan sát của PV, khoảng chiều tối đến đêm trên một số con phố Hà Nội, hình ảnh những chú chim sẻ rán vàng ươm, ngon giòn cùng mùi thơm phức ‘không thể chối từ’ lại ‘bủa vây’ dày đặc, hấp dẫn thực khách. Nhưng ẩn sau màu vàng ruộm, vỏ giòn chiên đó, ít ai ngờ chúng được chế biến từ vịt con chết. Những con vịt con chết ngạt, vịt thải loại hoặc bị bệnh sẽ được gom lại, cắt mỏ, bỏ chân rồi biến thành chim sẻ.

 

Vịt con 'phù phép' thành chim sẻ

Vịt con nhập từ Trung Quốc còn nguyên chân, mỏ. (Ảnh: Nam Anh)

Những con vịt chết này được bán với giá rất rẻ - chỉ 500 đồng/con, loại bị bệnh nhưng chưa chết được coi là “hàng hạng sang” - được bán với giá 700 đồng/con.

Được biết, nguồn gốc vịt con thải loại này được nhập từ 2 nơi. Một phần là vịt con nhập lậu từ Trung Quốc, chúng được cắt bỏ đầu và chân để tiện vận chuyển và bảo quản. Nguồn khác chủ yếu là nhập trực tiếp từ các trại ấp trứng. Sau khi soi quả trứng sắp nở mà phát hiện vịt đực, đợi vịt con nở ra, người ta ngay lập tức được đem làm sạch lông, cắt vát mỏ, rạch màng chân sao cho giống với chim sẻ nhất rồi nhúng vào các loại hóa chất bảo quản, đem phân phối cho các quầy chim sẻ, bồ câu.

Từ những con vịt non thải loại, bệnh tật, chết non được cắt chân, cắt mỏ đó...chúng sẽ được ‘nhào nặn’ qua ngón nghề chế biến gian xảo, chỉ phút chốc, các gian thương đã biến những chú vịt con chết thành món chim sẻ nướng.

Cụ thể, để vịt chết trông bắt mắt và thơm ngon, sau khi nhập về, người bán hàng thường ngâm vịt chết với bột tạo màu, ướp gia vị và chao qua với hành khô để át đi vị tanh. Sau khi rán giòn, những con vịt con chết thối sẽ có mùi thơm hết sức cuốn hút. Từ các lò chế biến này, chúng khoác lên mình mác chim sẻ đánh lừa thực khách.

Được tận mắt chứng kiến công nghệ biến vịt chết thành chim sẻ, hẳn dân nhậu cũng phải rùng mình, khiếp sợ… Không chỉ vậy gần đây, nhiều gian thương còn ‘chiêu trò’ biến vịt non, thải loại thành món “chim sẻ đi nắng”, chim bồ câu rán giòn. Mỗi con chim bồ câu kiểu này khi rán vàng sẽ được bán từ 18.000 - 20.000 đồng/con. Trong khi giá thịt chim bồ câu non “tươi sống, chưa vặt lông” được bán 50.000- 70.000 đồng/con thì tại một số quán nhậu, quán rong trên địa bàn Hà Nội, chim bồ câu quay với giá chỉ 10.000-13.000 đồng/con đã tẩm ướp sẵn gia vị thu hút rất nhiều người mua. Theo lời giới thiệu thì đây là chim bồ câu “chính hiệu”, là chim non nên rất tốt, bổ cho sức khỏe

 

Vịt con biến hóa thành chim sẻ

Vịt con thải loại...thành chim sẻ quay thơm lừng  

 

Chim sẻ 'tẩm' chất nhuộm gây tổn thương gan, thận, dễ bị ung thư

Không chỉ dùng tiểu xảo phù phép từ vịt non thành chim sẻ, chim cút, bồ câu nướng, quay mà nguy hiểm hơn, nhiều cơ sở đã ‘tẩm’ cả chất nhuộm công nghiệp để dễ dàng ‘qua mặt’ người tiêu dùng.

Loại bột này có màu đen, nhưng chỉ cần đổ nước vào rồi khuấy, thì ngay lập tức nước chuyển qua màu vàng quạch. Theo hướng dẫn, 100 gr bột pha với từ 3 - 5 lít nước và tẩm ướp được hàng chục ký vịt non để cho màu vàng ruộm.

Hóa phép Vịt con thành chim sẻ

 Chất tạo màu công nghiệp gây tổn thương gan, thận

Trao đổi với PV về thứ thuốc nhộm, phẩm màu công nghiệp đang được ‘tùy tiện’ dùng chế biến thực phẩm, GS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Loại chất tạo màu này là được dùng trong công nghiệp màu vải, làm thuốc nhuộm tóc, ngoài ra cũng được dùng để mài mòn, đánh bóng bề mặt nhựa, gỗ, da… Loại phẩm màu công nghiệp này bị nghiêm cấm sử dụng làm phụ gia chế biến thực phẩm. Nghiêm trọng hơn, trong phẩm màu công nghiệp này còn có bột sắt, đây chính là độc tố và gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người”.

Cụ thể bột sắt khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương gan, thận, lâu ngày sẽ dẫn tới ung thư da, ung thư bàng quang. Người thường xuyên tiếp xúc chất này cũng rất dễ bị viêm da, hen suyễn, chóng mặt…

Thanh Yến
Theo Chất Lượng Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

Các chiêu thức mạo danh trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Để người dùng tránh “sập bẫy”, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã cảnh báo về một loạt hành vi lừa đảo mạo danh OpenAI và Cục Đăng kiểm nhằm đánh vào lòng tin của người dùng.