Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:50
RSS

Nguy cơ mắc bệnh ‘khó nói’ vì dùng đồ hàng thùng

Thứ bảy, 29/10/2016, 16:38 (GMT+7)

Với tâm lý ham rẻ, độc, lạ nhiều chị em trở thành tín đồ của quần áo hàng thùng. Tuy nhiên, không ít người rước bệnh 'khó nói' vì diện đồ vỉa hè, trôi nổi này.

Luôn có chỗ đứng vì rẻ, đẹp, độc

Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, hàng thùng (hàng seconhand) là sự lựa chọn tiết kiệm nhiều chi phí cho chị em phụ nữ với giá chỉ bằng 1/3, 1/4 so với quần áo mua mới. Với tâm lý thích “không đụng hàng” và thoải mái lựa chọn với mức giá siêu rẻ, nhiều chị em trở thành tín đồ của các loại secondhand trôi nổi trên thị trường.

Tuy nhiên, loại quần áo đã qua sử dụng này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhiều chứng bệnh nguy hiểm. 

Những khu chợ nổi tiếng về quần áo hàng thùng như Đông Tác, Kim Liên, Nghĩa Tân hay khu vực công viên Nghĩa Đô lúc nào cũng đông khách với mức giá cho mỗi món quần áo, phụ kiện khá mềm, dao động từ 10 – 150.000 vnđ/chiếc.

Là một người chuyên săn lùng các mẫu hàng thùng mới về ở phố Đông Tác (Hà Nội), Chị Hoàng Oanh (28 tuổi, Nhân viên sales ) cho biết: Là sinh viên mới ra trường không có nhiều tiền, em rất ít khi mua đồ ở shop thời trang có tiếng. Em thường 'tia' những đợt hàng thùng mới về để mua. Vì kiểu dáng lạ, giá hạt dẻ nên em rất thích".

Tuy nhiên, sau một thời gian mặc đồ hàng thùng phát hiện mình mọc những nốt đỏ, ngứa, có bọng nước li ti nổi lên. Ban đầu, tưởng mình bị nóng gan nên chị mua thuốc bổ gan về uống. Sử dụng thuốc một thời gian bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, đi khám bác sỹ phán do nhiễm nấm từ áo quần bẩn.

Nguy hiểm hơn Hoàng Oanh, chị Vũ Hà (31 tuổi, Nhân viên bảo hiểm) còn bị viêm nhiễm vùng kín vì sử dụng đồ bơi hàng thùng, mặc dù đã giặt trước khi sử dụng. 

Dùng đồ hàng thùng tiềm ẩn nhiều bệnh 'khó nói'

Đồ hàng thùng là ổ chứa bệnh ngoài da

Trao đổi với báo giới trước tình trạng, hàng thùng trôi nổi ngày được bày bán tràn lan, tự do gây nhiều bệnh ‘khó nói’ cho chị em phụ nữ,  ông Nguyễn Duy Hưng - bác sỹ Khoa Da liễu- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi không thể thống kê được số ca mắc bệnh từ hàng thùng bởi số lượng quá nhiều.

Quần áo cũ không rõ nguồn gốc, nếu người trước sử dụng mắc bệnh lăng ben, hắc lào, phụ khoa… người sử dụng sau có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Hơn nữa quần áo được các chủ hấp, làm cứng, làm mới…là nguyên nhân gây kích ứng da, đặc biệt với người có làn da nhạy cảm”. 

Cũng theo ông cho biết, đồ lót, đồ tắm cũ chứa nguy cơ lây bệnh rất cao. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh lậu, hắc lào, nấm vì mặc đồ lót cũ”.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương phân tích, các loại quần áo cũ thường chứa nhiều vi khuẩn do không được giặt tẩy đúng quy định và bị đóng gói lâu ngày. Hơn nữa, nếu chủ nhân trước của những bộ quần áo hàng thùng này mắc bệnh về da liễu thì rất dễ lây lan cho người mặc lại chúng. 

Đáng sợ hơn, các chủ hàng thường chọn loại hàng thùng còn tốt, xịn đưa vào các cửa hàng hiệu. Sau một số công đoạn như tẩy, nhuộm, hấp lại cho mới, dùng thuốc làm cứng vải... những bô quần áo này sẽ được đóng mác và bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Trong khi khách hàng vẫn đinh ninh đây là đồ mới nên chỉ giặt qua, ít chú ý đến việc sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ các mầm bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh càng tăng cao. 

Đồ hàng thùng là ổ chứa bệnh ngoài da

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời cảnh báo do những năm gần đây, dịch Ebola lây lan trên diện rộng, và đây là loại bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với quần áo người bệnh. Do đó, việc dùng các đồ quần áo, giày dép được nhập khẩu từ nước ngoài, không rõ được nguồn gốc, xuất xứ là rất nguy hiểm. 

Ngoài ra, sử dụng quần áo cũ còn có nguy cơ nhiễm các bệnh về máu như viêm gan siêu vi B, C, HIV... Do một số trường hợp áo quần cũ có vết máu trên vải, và người mua thường có thói quen thử quần áo tại chỗ.

Với quần áo hàng hàng thùng thì tuyệt đối không nên mặc thử khi mua, đặc biệt là đồ lót, vì các mầm bệnh như virus, vi nấm, ký sinh trùng có thể tồn tại trên quần áo cũ trong một thời gian khá dài để lây bệnh.

Hàng Thùng: Làm sao để an toàn?

Theo các bác sĩ trao đổi, tuy hàng thùng có giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan bệnh về da liễu. Nếu chủ nhân trước của những món đồ này mắc bệnh thì rất dễ lây lan cho những người mặc sau đó.

Ngoài ra, trong quá trình làm mới quần áo, nhiều chủ cửa hàng đã dùng hóa chất. Chính những hóa chất này có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, có một số lưu ý khi mua hàng thùng chị em cần nhớ:

- Tránh việc thử tại cửa hàng vì quần áo chưa giặt có nhiều vi khuẩn dễ lây bệnh

- Tuyệt đối tránh các mặt hàng là đồ lót, đồ bơi đã qua sử dụng vì nguy cơ mặc các bệnh phụ khoa rất cao

- Không mua những món quần áo cũ, nát

- Khi mua về phải xử lý quần áo qua các bước giặt, tẩy, sấy, hấp để loại bỏ vi khuẩn, làm sạch quần áo.

Cách xử lý quần áo hàng thùng đơn giản

- Sau khi mua quần áo, chị em phải giặt thật kỹ đồ bằng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, sau đó phơi ngoài trời nắng cho khô ráo rồi dùng bàn là nóng là lại.

- Một lưu ý nhỏ trong công đoạn giặt là trước khi phơi, chị em có thể luộc qua đồ secondhand bằng nước sôi có pha một chút muối sau đó phơi khô. Cách này tuy hơi mất công nhưng lại đảm bảo vệ sinh và an toàn.

Nếu biết cách lựa chọn và xử lý trước khi mặc, hàng thùng vẫn mang lại lợi ích cho chị em, vừa tiết kiệm vừa không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Thanh Yến (T/h)
Theo Đời Sống Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC