Nguyên đơn là bà Deborah Giannecchini, 62 tuổi. Bà cho biết đã dùng sản phẩm phấn rôm Johnson & Johnson trong hơn 40 năm nhưng đã ngưng sử dụng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng cách đây ba năm.
Dù đã được điều trị, các bác sĩ nói khả năng bà sống sót trong vòng hai năm tới chỉ có 20%, theo lời luật sư của bà.
Trong đơn kiện, bà Giannecchini tố Johnson & Johnson "cẩu thả" trong việc sản xuất và tiếp thị loại phấn này. Theo bà, Johnson & Johnson biết thành phần trong phấn rôm có liên quan tới ung thư nhưng đã không cảnh báo cho người dùng.
Sau ba giờ nghị án, một tòa án ở St Louis, Missouri ngày 28-10 đã buộc Johnson & Johnson bồi thường cho bà hơn 70 triệu USD. Phía công ty đa quốc gia này tuyên bố họ sẽ kháng cáo.
Đây không phải lần đầu Johnson & Johnson thua kiện liên quan đến sản phẩm phấn rôm. Theo VTc dẫn nguồn Bizlive, đầu năm 2016 Công ty Johnson & Johnson cũng đã bị buộc phải bồi thường 72 triệu USD cho gia đình một người phụ nữ tử vong vì căn bệnh ung thư buồng trứng.
Được biết, bồi thẩm đoàn bang Missouri đã đưa ra phán quyết này với Johnson do cái chết của nạn nhân được chứng minh rằng có liên quan tới việc sử dụng phấn rôm Baby và Powder và sữa tắm Shower to Shower trong nhiều năm. Theo phán quyết của tòa án, công ty Johnson sẽ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Jacqueline Fox 10 triệu USD vì những thiệt hại thực tế và 62 triệu USD tiền phạt bổ sung.
Được biết, bột Talc - thành phần chính trong phấn rôm Johnson Baby Power chính là nguyên nhân gây ra việc phát triển tế bào ung thư buồng trứng của người sử dụng.
Với đặc tính hút nước, hút dầu nhanh và khử mùi, phấn rôm được các bà mẹ sử dụng nhiều cho trẻ nhỏ và nhiều người cũng có thói quen bôi vào các vùng dễ ra mồ hôi.
Hiệp hội ung thư Mỹ cho biết: Có một mối liên hệ giữa bột Talc và căn bệnh ung thư buồng trứng ở nữ giới. Tuy nhiên, kết quả thu được lại không chỉ rõ rằng Talc là tác nhân gây ung thư trên 100% người sử dụng.
Cũng theo hiệp hội này, những người thường xuyên hít phải bột Talc sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi. Song cũng có trường hợp người dùng không gặp vấn đề gì sau khi tiếp xúc nhiều với bột Talc.
Theo ông Jere Beasley, luật sư của gia đình Fox: Công ty Johnson & Johnson đã "biết về nguy cơ gây ung thư trong các sản phẩm của họ kể từ năm 1980” thế nhưng họ đã lừa dối công chúng và các cơ quan quản lý”.
Tuy vậy, Johnson & Johnson vẫn khẳng định:"Chúng tôi luôn có trách nhiệm cao đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Và chúng tôi rất thất vọng với kết quả của cuộc thử nghiệm.” “
“Chúng tôi thông cảm với gia đình nguyên đơn nhưng khẳng định rằng sự an toàn trong sản phẩm của Johnson đã được chứng minh bằng các chứng cứ khoa học", Carol Goodrich, phát ngôn viên của Johnson & Johnson cho biết.