Cá khô là mặt hàng luôn thu hút… nhiều ruồi muỗi. Nhưng điều kỳ lạ là nếu để ý kỹ ở nhiều khu chợ, thì không ít cửa bán cá mắm, cá khô ruồi muỗi lại không dám “bén mảng”. Đặt câu hỏi này với chính những người bán hàng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Chị cũng không biết. Nhưng chắc là do cá nhà chị sạch sẽ, thơm ngon đấy”. Tình trạng này xảy ra ở nhiều khu chợ, ở cả Hà Nội lẫn TP HCM. Tại các sạp hàng ở chợ Nghĩa Tân, Thành Công hay Đồng Xuân, những ai tinh ý đều nhận thấy.
Tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức, các chuyên gia y tế đã lý giải vấn đề này dựa trên các luận chứng khoa học. Và kết quả từ các nhà khoa học có thể khiến nhiều người tiêu dùng phải giật mình, bởi đây không phải hiện tượng ngẫu nhiên mà nó có căn nguyên và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cá khô được bày bán ở nhiều khu chợ
TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, kết quả khảo sát trên địa bàn TP HCM từ năm 2012 đến nay ghi nhận cá khô chứa chất trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. Theo TS Đức, trichlorfon ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người. Còn theo TS Nguyễn Tuần, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), trichlorfon là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Các nhà khoa học lý giải, trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản người nuôi sử dụng trichlorfon để tiêu diệt các loại ký sinh trùng. Tuy vậy, cá cũng hấp thụ chất này. Và cho đến khi cá được thu hoạch thì tồn dư trichlorfon trong cá vẫn chưa tiêu đi hết. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp nên sinh ra hiện tượng ruồi muỗi không dám bu lại.
Ngoài ra, chất này còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước được chỉ định. Trichlorfon có độc tính cao, dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường. Nếu hít phải chất độc này, có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản. Mắt thường tiếp xúc với trichlorfon cũng sẽ bị chảy máu mắt, mờ mắt dẫn đến mù loà.
Sau khi tiếp xúc với hoá chất này, cơ thể sẽ bị phản ứng trong vòng vài phút cho đến 12 giờ. Nhiễm độc nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi… Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bài tiết không chủ động, rối loạn tâm thần, nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Cá khô có chứa nhiều chất độc tồn dư
Nhưng không chỉ có vậy. Trong quá trình chế biến cá khô, chất sorbitol được sử dụng để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon như vừa chế biến. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng. Còn với cá mắm, chất cadmium (cd) là một kim loại nặng, rất độc, được sử dụng trong các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim, làm pin, chạy lò phản ứng.
Những người thường xuyên tiếp xúc với Cd có tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi cao hơn rõ rệt so với người khác. Bình thường lượng Cd đối với nguời cho phép từ 20 - 40microgram/ngày, trong đó chỉ 5-10% thực sự vào cơ thể. Tiếp xúc dài ngày trong môi trường có chứa Cd hoặc ăn loại hạt (gạo, ngô), rau quả có chứa lượng Cd cao sẽ gây nhiễm độc mãn tính.