Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:45
RSS

Gắp viên sỏi chặn ngang thực quản bé trai 3 tuổi

Thứ năm, 12/11/2020, 10:14 (GMT+7)

Trong lúc chơi bé đã nuốt nhầm viên sỏi hồ cá, sau khi phát hiện người cha đã liên tục móc họng cho bé ói nhưng không ra viên sỏi. Người nhà đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, lấy dị vật.

Tá hỏa phát hiện viên sỏi hồ cá chặn ngang thực quản bé trai 3 tuổi

Kết quả chụp X-quang cho thấy viên sỏi hồ cá nằm chắn ngang thực quản bệnh nhi. Ảnh: PLO

Ngày 12/11, PLO dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa nội soi cấp cứu lấy thành công dị vật chặn ngang thực quản cho một bệnh nhi. Cụ thể, bệnh nhi là bé trai P.V.Q. (3 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM).

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, bé Q. có thói quen chơi đồ vật gì thì hay cầm lấy bỏ vào miệng. Vào 22h đêm trước khi nhập viện, trong lúc chơi bé đã nuốt nhầm viên sỏi hồ cá. Phát hiện sự việc, người nhà đã liên tục móc họng cho bé ói nhưng không ra viên sỏi, điều này khiến bé Q. càng hoảng loạn. Ngay sau đó, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu lấy dị vật.

Thời điểm nhập viện, bé Q. liên tục quấy khóc, bụng chướng nhẹ, hoảng loạn. Kết quả chụp X-quang ngực thẳng nghiêng phát hiện dị vật tròn 1,5 x 1,5 cm mắc tại 1/3 trên thực quản. Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật lấy dị vật theo đường tiêu hoá lấy ra được một viên sỏi kích thước 15x15 mm, hình ê-líp không góc cạnh.

Tá hỏa phát hiện viên sỏi hồ cá chặn ngang thực quản bé trai 3 tuổi

Viên sỏi hồ cá được lấy ra khỏi thực quản cháu bé. Ảnh: PLO

Trao đổi với báo CA TP.HCM các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, trẻ nhỏ khám phá thế giới bằng mọi giác quan, kể cả miệng. Do vậy, trẻ rất dễ nuốt phải những vật như đồng xu, hòn bi, kim băng, viên thuốc, cúc áo, mảnh đồ chơi, pin cúc áo và hạt quả.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bé nuốt dị vật như con bỗng khó thở, khó nói, khó khóc, thở khò khè hoặc ồn ào, khó nuốt, chảy dãi hoặc khạc nhổ liên tục, bất tỉnh... Khi trẻ có những phản ứng như trên có nghĩa là dị vật đã chẹn một phần thanh quản hoặc khí quản, gây khó thở. Đứa bé đang bị ngạt thở không thể nói, ho cũng như khóc. 

Lúc này, có thể trẻ sẽ bất tỉnh trong vòng vài phút nếu không được làm thông đường thở. Do đó, người lớn hãy nhanh chóng gọi cấp cứu ngay và thực hiện phương pháp Heimlich (phương pháp cấp cứu đẩy dị vật ra ngoài).

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN