Từ đầu năm 2022, nhiều vụ việc trẻ em bị đuối nước thương tâm liên tục xảy ra. Theo Lao động, ngày 4/4, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra vụ việc 5 học sinh lớp 6 bị đuối nước. Ngày 26/1, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) có 2 học sinh bị đuối nước.
Trước những vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có công điện gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Theo thông tin trên Dân Trí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà yêu cầu các cơ quan chuyên môn về công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, tính mạng và cứu mạng trẻ em.
Hiện trường vụ đuối nước ở Thanh Hóa khiến 5 học sinh tử vong. Ảnh: Báo Lao động.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em và Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, công chức, các ngành, đoàn thể liên quan triển khai kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa bàn và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện trách nhiệm và phối hợp giữa các ngành, các tổ chức: Lao động - Thương binh và Xã hội, giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,… tăng cường truyền thông, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng trường học, lớp học kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em; triển khai bàn giao và tổ chức việc phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân tình nguyện quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời điểm bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cũng theo Công điện, các địa phương cần đầu tư ngân sách địa phương và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.
Tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em sau nhiều vụ việc thương tâm. Ảnh: Báo Chính phủ.
Thông tin trên Tuổi trẻ cho biết, theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em bên cạnh tai nạn giao thông hóc dị vật điện giật, ngã, bỏng… So với các nước phát triển, trẻ em Việt Nam tử vong gấp 10 lần các nước phát triển. Trong 10 năm qua, tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể. Năm 2010, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.300 trẻ, đến năm 2020 giảm còn 2.085 em.
Theo báo Hà Nội mới, từ tháng 6/2018 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, qua đó tuyên truyền để có ít nhất 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; mở 709 lớp dạy bơi cho gần 15.000 trẻ em... Với nhóm trẻ dưới 5 tuổi, các cơ quan, đơn vị chức năng trang bị kỹ năng giám sát phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành, nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em.