Thứ hai, 25/11/2024 | 01:52
RSS

Cơ hội làm bố cho nam giới không có tinh trùng, bị teo tinh hoàn

Thứ sáu, 24/08/2018, 21:05 (GMT+7)

Bác sĩ đã phải soi dưới kính hiển vi, tìm từng con tinh trùng cho người đàn ông này. Đến nay vợ chồng anh đã sinh được một em bé bụ bẫm, khỏe mạnh.

Cơ hội làm bố cho nam giới không có tinh trùng, bị teo tinh hoàn, biến chứng quai bị
Nhờ sự phát triển của y học giúp nam giới không có tinh trùng, bị teo tinh hoàn, biến chứng quai bị vẫn có thể có con. Hình chụp các gia đình hiếm muộn tham gia giao lưu tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Bệnh nhân là anh L.C.T ( 31 tuổi, ở Hưng Yên). Anh T. kết hôn đã 5 năm từ khi anh 26 tuổi, tuy nhiên cách đây 1 tháng anh mới được hưởng niềm hạnh phúc làm bố.

Về nguyên nhân hiếm muộn của mình, anh T. cho biết năm anh 14 tuổi đã mắc bệnh quai bị và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu. Sau đó là tình trạng tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Khi khỏi bệnh cũng là lúc anh T. cảm thấy một bên tinh hoàn teo dần. Song anh không hề biết đó là nguyên nhân khiến vợ chồng anh mãi không có con dù đã nỗ lực cố gắng.

Đến năm 2016 vợ chồng anh T. quyết định đến khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây các bác sĩ phát hiện mẫu tinh dịch của anh T. không có tinh trùng. Các bác sĩ đã nỗ lực mọi cách để tìm kiếm tinh trùng cho anh T.

Ban đầu bác sĩ chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng không thành công. Sau đó các bác sĩ phẫu thuật mô tinh hoàn cũng không tìm thấy tinh trùng.

Cuối cùng bác sĩ  phải sử dụng phương pháp vi phẫu tinh hoàn để lấy tinh trùng ( kỹ thuật MICRO TESE), tức là phẫu thuật mở tinh hoàn và dùng kính hiển vi chuyên dụng tách các ống sinh tinh để tìm tinh trùng. Nhờ biện pháp này, cuối cùng bác sĩ đã tìm ra những “tinh binh” hiếm hoi của anh T.

Qua đó đã tạo được 14 phôi. Sau bao nỗ lực, cuối cùng vợ anh T cũng mang thai. Cách đây 1 tháng , vợ chồng anh vừa được đón con đầu lòng là một bé gái bụ bẫm, khỏe mạnh nặng 3,5 kg. Hai vợ chồng anh hiện còn 8 phôi lưu trữ tại bệnh viện. 

Cơ hội làm bố cho nam giới không có tinh trùng, bị teo tinh hoàn, biến chứng quai bị
Kỹ thuật MICRO TESE đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được được điều trị thành công, có thai và sinh con khoẻ mạnh. Hình minh họa.

Theo BS Nguyễn Bá Hưng - Trưởng Khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, số tinh trùng mà những bệnh nhân như anh T. có được là rất hiếm, để tìm được 1-2 con cũng rất khó khăn.

Với MICRO TESE, bác sĩ mở từng lớp, nhặt từng con tinh trùng sau đó tiêm trực tiếp bào tương noãn để tăng cơ hội có con. 

Theo BS Hưng, ngoài trường hợp bệnh nhân T., các bác sĩ ở đây đã ứng dụng kỹ thuật MICRO TESE - phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng cho nhiều trường hợp vô tinh vì 2 tinh hoàn teo do biến chứng quai bị. 

Kết quả thụ tinh trong ống nghiệm từ kỹ thuật MICRO TESE cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng trong tinh dịch. Nhờ kỹ thuật này, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã được điều trị thành công, có thai và sinh con khoẻ mạnh.

Bác sĩ Hưng cho biết dù không phải tất cả những trường hợp mắc bệnh quai bị đều bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn nhưng vẫn cần hết sức lưu ý bởi nguy cơ teo tinh hoàn có thể diễn ra từ 2-6 tháng sau khi mắc bệnh nhưng cũng có thể lâu hơn.

Do đó, sau khi mắc bệnh này khoảng 2 tháng, bệnh nhân nên đi khám nếu thấy bất thường. Với người chưa từng mắc quai bị, tốt nhất là nên tiêm vắc-xin để phòng bệnh.


Xem thêm Clip: Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu

Khanh Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN