Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:50
RSS

Chuyện xúc động về anh xe ôm nuôi cô gái khờ đi lạc 20 năm

Thứ hai, 02/09/2019, 20:06 (GMT+7)

Cô gái lạ xinh xắn nhưng đờ đẫn, Sơn đưa về nhà nuôi, chỉ mong cô nhớ ra nhà mình ở đâu, nhưng mãi cô vẫn im lìm.

Cô được một tài xế gặp trên đường, thương tình đưa tới xóm trọ nhờ giúp đỡ vào một ngày tháng 1/2019. Cô trạc 30, ai hỏi gì cũng không nói. Anh Chung Hồng Sơn (46 tuổi) quyết định dẫn cô về căn nhà cấp 4 sập xệ của mình ở phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Những ngày đầu ở nhà người lái xe ôm độc thân, cô gái biểu hiện như người mất trí, rất ít nói chuyện, Sơn nghĩ chắc cô đã gặp cú sốc nào đó lớn lắm. Anh trấn an và chờ đợi xem có ai liên lạc với cô qua điện thoại.

Chuyện xúc động về anh xe ôm nuôi cô gái khờ đi lạc 20 năm

Anh Sơn gọi điện hỏi thăm gia đình Pa sau ngày đưa cô trở về với gia đình. Anh giờ đây coi Pa như người thân. Ảnh: Diệp Phan.

"Thấy trên hai cổ tay cô có vết sẹo dài cắt ngang, tôi nghĩ ngay đến việc cô ấy đã định tự tử nhưng không thành", Sơn thương cảm nên quyết tìm cách đưa cô về với gia đình.

Công việc xe ôm với thu nhập ít ỏi, bản thân lúc ốm đau còn phải vay mượn, nay anh lại nuôi thêm một cô gái không bình thường. Nhiều người ác ý, nghĩ anh "dụ cô về nhà" hay "đã làm gì khiến cô ấy trở nên như vậy".

"Tôi chỉ nghĩ để cô ấy đi lang thang thật không đành lòng", Sơn nói.

Từ đó, mỗi ngày đi làm, anh để mở cửa nhà với hy vọng cô tự nhớ ra có thể tự đi về, anh không giữ. Nhưng sau mấy tháng, cô chỉ ở trong nhà anh, không đi đâu. Hễ nhắc tới gia đình là cô khóc nức nở. "Tôi hoang mang lắm", Sơn nói. 

Ngày 24/8, Sơn đi làm về, bất ngờ cô gái chạy đến níu tay anh và nói: "Ông Sơn ơi đưa tôi về nhà", khiến anh mừng quýnh. Cô nói cha mình tên Út, mẹ tên Xuân, nhà có 5 anh em, sống gần một ngôi chùa Khmer, cạnh nhà có đồng lúa và hồ nuôi tôm ở Bạc Liêu. 

"Có bao nhiêu căn nhà gần một ngôi chùa Khmer, cánh đồng lúa và hồ nuôi tôm giữa tỉnh Bạc Liêu mênh mông. Tôi tự hỏi không biết sẽ bắt đầu từ đâu", Sơn lo lắng.

Chuyện xúc động về anh xe ôm nuôi cô gái khờ đi lạc 20 năm

Pa (trái) và người thân sau khi được đoàn tụ với gia đình, cô hầu như vẫn không nói gì. Ảnh: Diệp Phan.

Anh định kiếm thêm một chút tiền nữa để lo lộ phí, nhưng cô gái cứ liên tục đập tay vào đầu, khóc nằng nặc đòi chở đi tìm nhà, Sơn quyết định lên đường ngay. Trong túi của anh vỏn vẹn có 800 nghìn đồng.

Trên hành trình, cô gái lại kể từng có thời gian ở Cần Thơ. Vậy là thay vì đi thẳng đến Bạc Liêu, Sơn vòng lên Cần Thơ, rồi lại theo lời cô gái đến Trà Vinh, cuối cùng mới về Bạc Liêu. Anh cố gắng chạy qua những cánh đồng lúa, những chỗ người ta nuôi tôm, hỏi thăm những ngôi chùa Khmer để mong cô gái nhớ ra, nhưng vô vọng.

Bế tắc, Sơn đến công an tỉnh Bạc Liêu nhờ giúp đỡ. Tại đây, cô gái nhớ thêm rằng mình tên là Sơn Thị Trùm Pa, ở nhà còn gọi là Thái, Thơ, trước từng làm ở một quán karaoke ở Phú Quốc.

Trong 2 ngày, công an tỉnh Bạc Liêu đã gọi điện đến các huyện, xã và những ngôi chùa Khmer hỏi thăm thông tin nhưng không có phản hồi. Song song, đài truyền hình Bạc Liêu cũng đưa tin tìm người thân cho cô gái.

Không ngồi yên chờ đợi, Sơn tiếp tục chở cô đến từng ngôi chùa Khmer, từng đồng lúa, hồ tôm trong vùng. "Nghĩ hành trình này không biết còn kéo dài bao lâu, nhưng tôi không thể ngồi yên chờ đợi", anh nói.

Ngày 26/8, tại Bạc Liêu, trong lúc chuẩn bị tiếp tục hành trình thì Sơn nhận tin báo, người thân của Pa liên lạc. Thông tin về gia đình trùng khớp với những gì cô gái kể, nhưng khác một điều là gia đình đó ở Sóc Trăng.

Ngay lập tức, các cơ quan báo đài tỉnh Bạc Liêu đã giúp đỡ, thuê một chiếc xe chở Pa và anh Sơn về nhà cô tại ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Tới trước nhà, bà con lối xóm đã đến chờ đông nghẹt. Chiếc xe vừa mở cửa, cha mẹ Pa đã òa lên ôm lấy con gái mình, Pa bật khóc. Hoá ra, Pa đã thất lạc gia đình suốt 20 năm. Theo lời người nhà, Pa năm nay 31 tuổi, cô trầm lặng từ nhỏ, bỏ đi lúc 11 tuổi, gia đình đã lập bàn thờ vì nghĩ con đã chết.

"Thấy người nhà cô ấy vui mừng không nói nên lời, tôi cảm thấy những khó khăn mấy tháng qua tan biến", Sơn nói.

Lúc chia tay, Pa mới chịu cười, để lộ má lúm đồng tiền và bắt tay anh Sơn. "Tôi tính kiếm thêm được ít tiền nữa sẽ về lại Sóc Trăng, thăm gia đình cô ấy", anh cho biết.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại*

Diệp Phan
Theo VnExpress