Bệnh nhân Trần Văn T. (1984) trú tại TP. Cẩm Phả bị tai nạn lao động do vật nặng rơi vào bàn tay trái làm đứt rời đốt tay. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng đốt 2, ngón 5 của bàn tay trái bị đứt lìa chỉ còn dính gân, không còn mạch nuôi.
Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, hội chẩn đánh giá tình trạng tổn thương và quyết định nối lại đốt ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân. Sau khi được khoa Chấn thương chỉnh hình tư vấn tận tình, bệnh nhân và gia đình quyết định thực hiện nối chi tại đây.
Kíp mổ khoa Chấn thương chỉnh hình do Ths.Bs Lương Toàn Thắng – Trưởng khoa cùng bác sĩ Nguyễn Văn Năng phối hợp với các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Kíp mổ đã sử dụng dụng cụ nối vi phẫu đầu ngón tay bị đứt bằng cách khâu nối mạch máu dưới kính hiển vi phẫu thuật.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ với kỹ thuật nối vi phẫu, các bác sĩ đã nối lại thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương đốt ngón tay út, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho người bệnh. Sau mổ khoảng 6 tiếng, ngón tay của bệnh nhân hồng ấm trở lại. Đến nay, ngón tay đã cử động được nhẹ nhàng, phần nối phản hồi mao mạch tốt.
Đốt ngón tay út bị đứt rời chỉ còn dính gân được nối lại thành công
Ths.Bs Lương Toàn Thắng – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Với trường hợp của bệnh nhân T. khi cấp cứu đốt tay gần như đã đứt lìa, chỉ còn dính chút gân gấp, tuy nhiên đánh giá khả năng phục hồi cao nên chúng tôi đã kịp thời phẫu thuật nối lại để đảm bảo chức năng bàn tay cũng như tính thẩm Mỹ cho người bệnh.
Cái khó và phức tạp của trường hợp này là mạch máu ở đầu ngón tay quá nhỏ, lại ở ngón út nên đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ cao trong mọi thao tác. Chúng tôi phải sử dụng kính vi phẫu phóng đại phẫu trường, bộ dụng cụ vi phẫu chuyên dụng cùng tay nghề chuyên môn thuần thục mới có thể thực hiện các thao tác khâu nối các động, tĩnh mạch nhỏ với kích thước chỉ khoảng 1mm. Rất mừng vì ca phẫu thuật đã giúp bệnh nhân phục hồi bàn tay nguyên vẹn”.
Trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật vi phẫu nối thể chi đứt rời thì trường hợp của bệnh nhân T. thường sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến trung ương, hoặc sẽ cắt bỏ phần chi bị đứt và tạo mỏm cụt nếu các mô đứt lìa bị hoại tử. Thời gian qua, đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đào tạo bài bản, chuyên sâu về kỹ thuật vi phẫu nối chi đứt rời từ các chuyên gia đầu ngành của
Bệnh viện Quân đội Trung ương 108. Việc ứng dụng triển khai kỹ thuật vi phẫu trong nối thể chi đứt rời từ cuối năm 2019 đã mang lại kết quả tích cực, mang lại hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giảm bớt di chứng nặng nề cho người bệnh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Văn Năng cẩn thận kiểm tra vết nối ngón tay út cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân T vừa được nối ngón tay thành công, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi cần gọi ngay cấp cứu, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy. Đồng thời tìm cách bảo quản đúng phần chi đứt rời rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật nối chi kịp thời.