Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công một loạt ca mổ lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não, gồm tim, hai phổi, gan, hai thận. Trong đó, có 2 ca ghép rất đặc biệt, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam bao gồm ca ghép hai phổi đồng thì với mổ tim hở, sửa chữa bệnh tim bẩm sinh (sửa tim – ghép phổi) và ghép đa tạng gan, thận đồng thì, theo Vietnamnet.
Ca ghép phổi và sửa tim, ảnh BVCC.
Ca ghép hai phổi đồng thì với mổ tim hở được thực hiện trên nữ bệnh nhân P.T.H. (gần 30 tuổi) mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn. Được biết, chị H. phát hiện bệnh muộn, đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi cố định - hội chứng Eisenmenger. Bệnh nhân không còn giải pháp điều trị và chắc chắn sẽ sớm tử vong do suy chức năng tim – phổi nếu không được ghép phổi.
Thời gian gần đây, bệnh nhân H. thường xuyên trong tình trạng thiếu ô xy, tím môi và đầu chi, bão hòa ô xy thấp, không lao động được. Chỉ có 2 hướng điều trị cho người bệnh này, hoặc sửa chữa khuyết tật của tim bằng phẫu thuật tim hở đồng thì với ghép phổi (nếu chức năng của tim còn khá tốt), hoặc phải ghép đa tạng cả tim và phổi (nếu tim mất chức năng). Do chức năng tim của bệnh nhân H. khá tốt, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật theo hướng thứ nhất.
Ca mổ ghép phổi đặc biệt này đã diễn ra trong 12 giờ. Do chuẩn bị kỹ, nên dù rất phức tạp và khó khăn, song các thì mổ diễn biến khá thuận lợi. Ngay sau khi đưa phổi ghép hoạt động trở lại, các thông số huyết động và hô hấp đã lập tức trở lại kỳ diệu như người có phổi bình thường (áp lực động mạch phổi giảm từ hơn 110mmHg trước mổ xuống 20mmHg, bão hòa ôxy 100%).
Điều trị hồi sức tích cực sau mổ theo các quy trình chuyên môn, người diễn biến khá thuận lợi. Hiện tại, người bệnh đã có thể tự thở, các xét nghiệm đánh giá chức năng phổi ghép tốt, tỉnh táo, tập phục hồi chức năng tại giường, ăn uống tiêu hóa tốt.
Ghép thận và gan
Trường hợp bệnh nhân M.S (59 tuổi, quốc tịch Lào), điều trị đái tháo đường, cao huyết áp nhiều năm. Tháng 04/2019 phát hiện suy thận mãn kèm theo xơ gan (do rượu), đã được điều trị bảo tồn sau đó chuyển Việt Đức để xét ghép gan và thận, Trí thức trẻ đưa tin.
Các bác sĩ trong kíp phẫu thuật. BVCC.
Khi vào viện người bệnh đã suy cả gan và thận, phải chạy thận chu kỳ, đã Xuất huyết tiêu hóa 02 lần được điều trị nội khoa. Chẩn đoán của người bệnh khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: suy thận độ IV, xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa (Child B 8 điểm – MELD score 25 điểm).
Sau khi hội chẩn GS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện đã quyết định sẽ ghép đồng thời (1 thì) cả gan và thận cho người bệnh từ người cho chết não để thay thế 2 tạng đã suy của người bệnh bằng 2 tạng mới (từ bệnh nhân chết não), như vậy sẽ tránh các nguy cơ của 2 cuộc mổ liên tiếp.
Sau 12h (từ 9h đến 21h), với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ đã thành công: gan và thận mới ghép đã hoạt động. Sau mổ không cần lọc máu, người bệnh tỉnh táo, rút nội khí quản sau 03 ngày. Hiện tại, người bệnh tự thở, các chức năng gan và thận đã dần phục hồi.
Ghép đồng thời gan - thận là một kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận. Việc thay thế cũng lúc 2 tạng sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp (như lọc máu liên tục trong mổ) và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm phẫu thuật.
Được biết người hiến tạng để ghép cho các bệnh nhân trên là một thanh niên 19 tuổi bị chết não do chấn thương sọ não nặng. Bệnh viện đã tiến hành ghép phổi, ghép tim, ghép thận cho các người bệnh nhận tim, nhận phổi, nhận thận. Riêng M.S được nhận đồng thời gan và thận.