Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:19
RSS

Bộ trưởng y tế chia sẻ về những khó khăn khi xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thứ tư, 16/10/2019, 19:16 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia gặp đã gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế nhưng cuối cùng vấn đề bảo vệ lợi ích người dân vẫn được đặt lên trên hết.

Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ những trăn trở về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Bộ trưởng Bộ Y tế ​Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Hôm nay ngày 16/10/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết rượu bia gây nhiều tác hại, tác hại trước mắt là vấn đề tai nạn giao thông rồi tác động đến văn minh xã hội, bạo lực gia đình, không ít trường hợp “rượu vào lời ra” gây xô xát, cãi nhau, nhức nhối nạn xâm hại – nhất là xâm hại trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số các ca tử vong.

Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Tại Việt Nam, ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ/TTg phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ những trăn trở về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2
Toàn cảnh hội nghị.

Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.

Việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. 

"Trong quá trình xây dựng Luật PCTH của rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ lợi ích người dân lên trên hết.

Để Luật đi vào thực tế cuộc sống đạt hiệu quả cao cần hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia"- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng địa điểm những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... để quy định trong Nghị định thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia....

Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN