Tiêu thụ 4 tỉ lít bia năm 2017
Tại hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 8/6/2018, ông Nguyễn Phương Nam - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN cho biết, lượng tiêu thụ rượu bia ở VN đứng thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016 (trong khi trước đó chỉ là 3,8 lít năm 2003). Dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ rượu bình quân sẽ là 7 lít/người/năm.
"Tỉ lệ dân số sử dụng rượu bia cao, trong đó tỉ lệ nam giới uống ở mức nguy hại cao (44,2%). Nói nôm na, trung bình nam giới VN uống 6 cốc bia hơi trong 1 lần uống" – ông Nam cho hay.
TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cảnh báo, sử dụng rượu bia ở VN đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Năm 2017, sản lượng bia là 4,006 tỉ lít bia. VN thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỉ lệ uống rượu bia ở cả 2 giới ngày càng gia tăng.
“Nếu tính riêng với nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì bình quân một người ở VN tiêu thụ trung bình khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010).
Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ 2 các nước Đông Nam Á/ Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới. Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để kịp thời điều chỉnh”- ông Quang chia sẻ thông tin.
Rượu bia gây nhiều nguy hại cho sức khoẻ. Ảnh minh hoạ.
Điều đáng chú ý là theo các chuyên gia, tình hình càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang là thách thức lớn ở VN. Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại, tỉ lệ này đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm (từ 21,5% năm 2010 lên 44,2% năm 2015).
Tình trạng này cũng rất phổ biến trong nhóm lao động có việc làm là nam giới với hơn 38%. Hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua, 80% có người uống rượu bia trong 30 ngày qua; đặc biệt trong đó có 46% hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng rượu bia tại VN đang ở mức báo động gây ra nhiều tác hại về sức khoẻ và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như tai nạn giao thông… thiệt hại hơn rất nhiều so với một số lợi ích do rượu bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm. Gánh nặng này sẽ càng gia tăng, cộng dồn nếu không có các chính sách, pháp luật phù hợp.
Cần thiết tăng thuế, giá để giảm tiêu thụ rượu bia
Theo Bộ Y tế, dự kiến Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 6/2018; trình Chính phủ vào tháng 10/2018 và trình Quốc hội vào tháng 9/2018.
Trong Luật có khoản đóng góp bắt buộc là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ nhất cho phòng chống tác hại rượu bia và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Nhiều quốc gia cấm quảng cáo rượu bia trên mạng xã hội, internet... Ảnh minh hoạ.
Hiện nay, có một số ý kiến băn khoăn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có thực hiện các biện pháp kiểm soát điểm bán, thời gian bán rượu bia không khả thi và sẽ ảnh hưởng đến du lịch?
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bài học từ Thái Lan – quốc gia có ngành du lịch phát triển mũi nhọn, với các biện pháp thắt chặt về quảng cáo rượu bia, địa điểm bán, thời gian bán mà ngành công nghiệp không khói này vẫn phát triển vượt bậc, tăng từ khoảng 14 triệu khách du lịch, doanh thu hơn 16 tỉ USD (2008) lên hơn 35 triệu khách, doanh thu hơn 50 tỉ USD (2017). Điều đó chứng tỏ việc ban hành
Luật kiểm soát đồ uống có cồn không ảnh hưởng đến nền công nghiệp không khói này mà việc phát triển du lịch phụ thuộc lớn vào các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn...
Để giảm tiêu thụ rượu bia, ông Nam cho rằng, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất. “Trên thế giới đã có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán. Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình”- ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, để kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, theo ông Nam, nhiều quốc gia có quy định giờ bán rượu bia. Vấn đề nữa là cấm quảng cáo rượu bia trên mạng xã hội, internet... một số nước như Úc đã cấm toàn bộ trên các chương trình trẻ em; ở Ấn Độ cấm mọi hình thức quảng cáo rượu bia....
Theo các chuyên gia, phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ.
Tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu. Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ. Ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.
Xem thêm Clip:Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày