Thứ bảy, 18/01/2025 | 09:35
RSS

Bố mẹ đi làm, 2 con ở nhà bị điện giật, 1 cháu tử vong

Thứ năm, 11/08/2022, 17:35 (GMT+7)

Trong lúc bố mẹ đi làm, hai chị em ở nhà thì bị điện giật. Hậu quả, một cháu tử vong, cháu còn lại bị thương nhẹ được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Sự kiện:
Bình Dương

Bố mẹ đi làm, 2 con ở nhà bị điện giật, 1 cháu tử vong

Gia đình và công đoàn công ty anh D lo mai táng cho bé trai xấu số. Ảnh: Báo VOV

Trao đổi với Báo Người lao động ngày 11/8, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam- Singapore I (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ điện giật khiến 2 trẻ nhỏ thương vong.

Nạn nhân tử vong là cháu N.V.H. (sinh năm 2014; quê Nghệ An; tạm trú phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trường hợp bị thương, được đưa đi bệnh viện cấp cứu là bé gái 10 tuổi (chị gái của cháu H.).

Theo thông tin ban đầu, ngày 10/8, vợ chồng anh N.V.D. (38 tuổi, quê Nghệ An, công nhân công ty ở khu công nghiệp Việt Nam- Singapore I) đi làm và để 2 con nhỏ ở nhà trọ.

Trong quá trình các cháu chơi ở phòng trọ, móc quần áo trên cao rơi xuống gần ổ điện. Cháu H. cầm móc quần áo đụng vào ổ điện bị điện giật. Thấy em nằm bất động, chị gái đến đụng vào cũng bị điện giật, lúc này cầu dao nhà trọ nhảy ngắt điện. Khi phát hiện vụ việc, người lớn đã đưa cháu H. đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong, chị gái của cháu bị thương nhẹ.

Trao đổi với Báo Lao động, đại diện Công đoàn KCN VSIP cho biết, sau khi sự việc xảy ra, công đoàn công ty nơi vợ chồng anh D làm việc đã cử cán bộ xuống đưa cháu bé xấu số trở về nhà trọ và hỗ trợ mai táng. Cán bộ và công nhân công ty cũng đang quyên góp hỗ trợ gia đình.

Tai nạn điện vẫn thường xuyên xảy ra trong mỗi gia đình, mà đối tượng thường là trẻ nhỏ. Tuỳ vào mức độ giật điện mà có thể mang lại những hậu quả khác nhau: Ở mức độ nhẹ, khi đi vào cơ thể dòng điện gây phân tích và hủy hoại tế bào máu; làm co giật tổn thương từng phần hệ thần kinh và cơ quan nội tạng... Còn ở mức độ cao thì có thể gây tê liệt và tử vong ngay lập tức.

Để đảm bảo an toàn và phòng tránh các trường hợp không may xảy ra, cha mẹ cần lắp đặt những thiết bị điện ở xa tầm với của trẻ, tránh sự tiếp xúc gần dễ xảy ra những sự cố. Bên cạnh đó, cần chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, với các thiết bị điện trong nhà, cha mẹ nên sử dụng những biểu tượng cảnh báo để tạo thói quen cho trẻ nhỏ.

Những lưu ý khi sơ cứu trẻ bị điện giật

- Tuyệt đối không để nạn nhân bị ngã và gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn.

- Không được chạm vào nạn nhân khi chưa ngắt nguồn điện, không được dùng tay không để kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện vì có thể bạn sẽ bị điện giật.

- Phải giữ cho mình một tâm thái thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn để đảm bảo sơ cứu an toàn cho nạn nhân.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại