Ảnh minh hoạ
Ngày 9/8, ông Tráng A Cau - Trưởng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xác nhận với Báo Lao động, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một trẻ nhỏ bị điện giật tử vong.
Theo ông Cau, nạn nhân là cháu Giàng Thị K. (SN 2014; trú tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ). Trước đó, trong lúc bố mẹ không có nhà, cháu K. nấu rau bằng nồi lẩu thì không may bị điện giật.
Phát hiện sự việc, em gái của cháu K. đã chạy đi gọi bố mẹ về đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Tuy nhiên, cháu K. đã không qua khỏi.
Trao đổi với Báo Dân Việt, Trưởng bản Hua Tạt cho biết, vụ việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn điện cho trẻ em.
Để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, phụ huynh cần phải giải tích cho trẻ nguy cơ, hậu quả của điện giật và cần kiên trì nhắc lại nhiều lần để trẻ nhớ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần giáo dục trẻ tay ướt không được chạm vào các thiết bị điện; không được chạm tay vào các dây điện nứt hoặc ổ điện hở; đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để trẻ em nhỏ tuổi ở nhà một mình.
Điện giật ở trẻ em là một tai nạn sinh hoạt thường gặp. Khi bị điện giật, trẻ sẽ bị ảnh rất lớn về mặt tinh thần cũng như tình trạng sức khỏe Cụ thể, trẻ sẽ bị rối loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột, rung thất,... thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ; tổn thương cả hai hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên; bỏng nhiệt bề mặt (superficial), bỏng nhiệt một phần (partial-thickness), và bỏng nhiệt toàn bộ (full-thickness) có thể xảy ra sau tổn thương do điện ở trẻ; Gây bỏng màng xương, phá hủy bào chất của xương và hoại tử xương. Xương còn có thể bị gãy do ngã, tổn thương do nổ xương, hoặc do co cứng cơ; ngoài ra có thể có tổn thương cơ quan bên trong của trẻ như phổi, dạ dày, ruột non và đại tràng và gây biến chứng đường rò, thủng, nhiễm khuẩn thứ phát, nhiễm trùng (sepsis), và cuối cùng là gây tử vong. |