Ngày 28/1, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bệnh nhi N.Q.P. (8 tuổi ở Chương Mỹ Hà Nội) bị chó Becgie cắn gây thương tích nặng vùng mặt.
Theo người nhà bệnh nhi, trước đó bé P. có sang nhà bà ngoại chơi. Trong lúc cùng bạn chơi đùa với chó Becgie nặng hơn 20kg, bé P. bất ngờ bị con chó chồm lên, cắn vào mặt. Nghe thấy tiếng la hét của cháu, bà ngoại ở trong nhà liền cầm gậy đuổi chó cứu cháu.
Thấy vùng mặt bé P. chảy nhiều máu, gia đình vội vàng dùng áo sạch cầm máu rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện gần nhà sơ cứu. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) cấp cứu.
Bé P. được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. Ảnh: Dân trí
Thời điểm nhập viện, bé P. trong tình trạng sợ hãi, vết thương vùng hàm mặt nặng nề, trong đó vết thương má trái rộng khoảng 6cm, mất tổ chức cơ, môi trái đứt ngang cơ vòng môi. Các bác sĩ đã nhanh chóng vệ sinh vết cắn, khâu định hướng để cầm máu và đưa đi tiêm phòng dại cho bé.
May mắn là nếu vắn cắn sâu thêm chút nữa có thể ảnh hưởng tuyến nước bọt gây rò nước bọt hoặc ảnh hưởng dây thần kinh gây liệt mặt. Sau 3 ngày nhập viện, hiện vết thương của trẻ đã khô, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Dự kiến sau khi khi vết thương liền các bác sĩ sẽ đánh giá xem xét tạo hình cho bé.
Trao đổi với VTC News, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường – khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba khuyến cáo để hạn chế tai nạn thương tâm, các bậc phụ huynh nên hạn chế nuôi chó khi nhà có trẻ nhỏ, nếu có thì tuyệt đối không để bé chơi một mình với chó mà không có người lớn quan sát.
Bên cạnh đó, vật nuôi cần tiêm phòng đầy đủ, đeo rọ mõm khi ra đường, xích cẩn thận khi không có người trông giữ. Nếu không may trẻ bị chó cắn, mọi người cần sơ cứu đúng cách rồi đưa người gặp nạn tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời, không sử dụng những phương pháp truyền miệng hay chữa mẹo để hạn chế biến chứng có thể xảy ra.