Bé Th. nhập viện trong tình trạng tổn thương nặng vùng mặt và đầu do bị chó cắn. Ảnh: Dân trí
Ngày 22/9, thông tin Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết vừa cấp cứu thành công cho bé bé N.K.Th. (xã Đông Vinh, Đông Sơn, Thanh Hóa) bị chó cắn vùng mặt và đầu gây tổn thương rất nặng và chảy máu nhiều.
Trước đó, trong lúc đang chơi đùa, bé Th. không may bị chó nhà hàng xóm cắn. Ngay lập tức, cháu bé đã được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ ghi nhận vùng da đỉnh đầu bé Th. rách, bong lóc lộ sọ, có 3 vết cắn kích thước 3cm x 8cm, rách da, mất tổ chức vùng má thái dương phải kích thước 2cm x 9cm, lộ mạch máu, chảy máu đẫm gạc, rách da vùng cổ kích thước 2cm x 2cm.
Các bác sĩ nhanh chóng khám và được hội chẩn mổ cấp cứu cho bệnh nhi. Ca mổ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ. Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã tỉnh, vết mổ đã khô, ăn uống được, chơi ngoan. Dự kiến bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được biết, trung bình mỗi năm khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị 20-30 ca bị chó cắn vùng đầu mặt. Qua trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại.
Ngoài ra, theo các bác sĩ khi bị chó cắn người dân nên xử trí theo các bước như sau:
- Nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ các mầm bệnh.
- Sau đó dùng băng gạc hoặc vải sạch nhẹ nhàng băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công.
- Khẩn trương đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ, xử trí kịp thời.
- Sau khi xử trí các vết thương hở, nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại cũng như hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.