Thứ tư, 01/05/2024 | 06:50
RSS

Bé gái 4 tuổi ở Bình Thuận tử vong do hóc hạt nhãn

Thứ ba, 28/09/2021, 09:18 (GMT+7)

Bé L. vừa chơi điện thoại vừa ăn nhãn. Khi bé L. cắn vỏ thì hạt nhãn không may rơi xuống cổ họng chặn ngang đường thở, dù được đưa đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong.

Sự kiện:
Bình Thuận

Bé gái 4 tuổi ở Bình Thuận tử vong do hóc hạt nhãn

Bé L. được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Ảnh: NLĐ

Ngày 27/9, trên địa bàn xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ việc bé gái 4 tuổi tử vong do hóc hạt nhãn. Nạn nhân là cháu L. (sinh năm 2017). Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra tại nhà của cháu L. Người nhà cho biết, tối cùng ngày (27/9), cháu L. ngồi bấm điện thoại chơi và ăn nhãn. Lúc này có người bố ngồi cạnh bên. 

Khi cháu L. cắn vỏ nhãn và lấy vỏ ra thì hạt nhãn chạy xuống cổ họng, rơi vào đường thở. Phát hiện vụ việc, người bố đã dùng tay móc dị vật trong họng bé nhưng không được. Ngay sau đó, gia đình nhanh chóng đưa cháu bé đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (cách nhà khoảng 15 km) cấp cứu nhưng cháu đã tử vong. 

Bé gái 4 tuổi ở Bình Thuận tử vong do hóc hạt nhãn

Có nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc liên quan đến hóc dị vật ở trẻ. Ảnh minh họa 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong đáng tiếc liên quan đến hóc dị vật ở trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ ăn, ngậm các loại hạt, đồ vật, nhất là trẻ có độ tuổi 2-3 hay ngậm đồ ăn, phản xạ hầu họng chưa tốt, có nguy cơ bị hóc dị vật đường thở. 

Bên cạnh đó các gia đình nên nắm được kiến thức và cách sơ cứu phòng tình huống không may con em mình hóc dị vật. Bởi việc xử trí cấp cứu đúng trong vài phút đầu có thể cứu sống bệnh nhân. 

Nếu để trễ hơn “thời gian vàng” này hoặc sơ cứu không đúng cách, dù có cứu được tính mạng trẻ nhưng cũng để lại di chứng suốt đời. Dưới đây là cách sơ cứu đúng được các bác sĩ khoa Cấp cứu Chống độc – Bệnh viện Nhi trung ương hướng dẫn:

Trong trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, ho được hãy khuyến khích trẻ ho rồi nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Trường hợp trẻ không ho được cần mở thông đường thở, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực để mở thông đường thở

Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. 

- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh

5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này.

Đới với trẻ lớn hơn, cần đặt trẻ lên đùi và thực hiện sơ cứu như trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại