Tai hại do sơ ý
Vừa mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai xử lý thành công hai ca hóc dị vật ở người lớn. Đó là viên thuốc ho còn nguyên vỏ nhôm được tìm thấy trong phế quản bệnh nhân sau một tháng và một trường hợp khác là hạt hồng xiêm được tìm thấy sau đúng một năm.
Bệnh nhân thứ nhất là bác D.V.T (47 tuổi ở Nghĩa Hưng, Nam Định). Ông D.V.T được người nhà đưa đến phòng khám Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ho kéo dài, đau ngực bên phải. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn phế quản và phát hiện dị vật.
Sau một tuần điều trị, bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản, gắp được dị vật là một hạt hồng xiêm và xuất hiện nhiều dịch mủ ở phía dưới chỗ tắc.
Gia đình ông T. cho biết, cách đây một năm ông có bị sặc khi ăn hồng xiêm, sau đó thì ho kéo dài và đau lồng ngực bên phải. Gia đình đã đưa ông T. đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện được bệnh.
Trường hợp thứ hai là ông H.V.H 67 tuổi, trú tại xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Ông H. được đưa tới viện trong tình trạng ho kéo dài, dù đã điều trị ở rất nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện trong phế quản của ông H. có dị vật.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành lấy dị vật từ phế quản của bệnh nhân. Sau thời gian tiến hành gắp dị vật các bác sĩ đã lấy ra được từ phế quản ông H. một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm. Các bác sĩ xác định đây là thuốc comazil, một loại thuốc cảm cúm.
Nạn nhân hóc dị vật được điều trị tại Bệnh viên Bạch Mai
Theo lời kể của gia đình ông H. cách đây một tháng ông có bị ho và tự đi mua 20 liều thuốc, được chia theo từng ngày đựng vào các túi nhỏ. Trong quá trình uống thuốc do không để ý nên ông H. đã vô tình uống thuốc mà chưa bóc vỏ.
Sau đó ông ho sặc sụa, khó thở và đau ở ngực, gia đình cũng đưa ông đi thăm khám nhiều chỗ mà không tìm ra nguyên nhân. Vợ ông H. kể lại trong sự buồn bã: “Không ngờ viên thuốc trị ho lại chính là nguyên nhân khiến ông ấy ho và đau ngực suốt cả tháng qua”.
Ngoài hai trường hợp trên còn rất nhiều trường hợp bị hóc dị vật do sơ ý trong quá trình ăn uống. Cách đây không lâu bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng xử lý trường hợp bệnh nhân bị mắc dị vật trong lồng ngực 10 năm liền buộc phải mổ để gắp ra.
Từ sơ ý đến “thảm họa”
Theo bác sỹ Vũ Hữu Vĩnh - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy, dị vật người lớn thường bị hóc là tăm, xương gà, dao lam, viên thuốc chưa bóc vỏ, thậm chí là bàn chải đánh răng, nắp chai bia… Các bác sĩ cho biết thêm, trường hợp bị hóc dị vật này rất ít là bệnh nhân tâm thần, chủ yếu là bệnh nhân sơ ý trong quá trình ăn uống.
Chỉ những sơ ý nhỏ như vậy có thể để lại hậu quả lớn cho bệnh nhân. Người hóc dị vật có thể phải trải qua cuộc đại phẫu tốn kém chi phí, thời gian thậm chí còn có thể tử vong. Như trường hợp của ông H. nếu không gắp viên thuốc ra kịp thời có thể gây tổn thương phế quản gây viêm phế quản và viêm phổi.
Nạn nhân bị hóc dị vật sau khi thực hiện phẫu thuật
Hóc dị vật, theo các bác sỹ phân tích, thường theo hai đường: Đường ăn hoặc đường thở. Khi dị vật được nuốt vào theo đường ăn, nếu vật sắc nhọn sẽ mắc lại trong thực quản, cổ hoặc lồng ngực.
Bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, khó nuốt, khó ăn thậm chí nôn ra máu. Nếu không được lấy ra kịp thời có thể gây lở loét tại nơi bị kẹt, nặng hơn nữa dị vật có thể đâm thủng động mạch chủ gây mất máu ồ ạt.
Khi dị vật đi vào đường thở do vô ý hít phải sẽ gây khó thở, suy hô hấp, tử vong. Nếu dị vật nhỏ có thể đi sâu vào phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi gây ho thậm chí ho ra máu.
Đa số các bệnh nhân vị hóc dị vật đều trong trạng thái vô ý mắc phải nên lời khuyên của các bác sĩ là không nên đùa giỡn hay làm nhiều việc cùng lúc khi ăn. Ăn uống tập trung, điềm đạm để tránh hóc dị vật ngoài mong muốn.