Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:59
RSS

Bắt chước phim ảnh, bé trai nhét thanh sắt hơn nửa mét vào hậu môn

Thứ tư, 05/01/2022, 13:51 (GMT+7)

Bắt chước phim ảnh, bé trai vào nhà vệ sinh và nhét thanh sắt thông cống vào hậu môn. Do rút không ra, nên người nhà đã đưa bé nhập viện cấp cứu.

Ngày 5/1/2022, theo nguồn tin trên báo Người lao động, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu bé trai (6 tuổi; ngụ H.Cần Giuộc, Long An) vì nhét thanh sắt thông cống dài hơn nửa mét vào hậu môn và dính luôn trong bụng.

Theo gia đình bệnh nhi, bé có sở thích bắt chước phim ảnh là nhét đồ vào hậu môn. Tối 4/1/2022, bệnh nhi vào nhà vệ sinh và nhét thanh sắt thông cống vào hậu môn. Do rút mãi thanh sắt không ra, nên người nhà đã đưa bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng TP cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên và ê kíp mổ cấp cứu khẩn trương nội soi ổ bụng thám sát và thấy đoạn ruột sigma (phần cuối cùng của ruột - PV) bị bầm máu, chưa thấy thủng ruột.

Các bác sĩ kiểm tra hậu môn thì thấy cạnh sắt ghim chặt vào thành sau trực tràng. Kết hợp nội soi ngả bụng và hậu môn, các bác sĩ đã lấy thanh sắt ra ngoài theo ngả hậu môn. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được thăm khám tâm lý. Bệnh nhi đang nhịn ăn để theo dõi tiếp diễn tiến chảy máu hoặc thủng xước đường ruột.

Bắt chước phim ảnh, bé trai nhét thanh sắt nửa mét vào hậu môn

Thanh sắt dài hơn nửa mét được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Qua trường hợp bệnh nhi trên, trao đổi với báo Lao động, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, trong lúc chơi đùa một mình, trẻ nhỏ thường tò mò tự khám phá bản thân bằng cách nhét dị vật (là những hạt, đồ chơi...) vào tai, mũi, họng, kể cả “chỗ kín” của mình.

Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi vào tai... có thể khiến bản thân trẻ thấy ngộ nghĩnh và thích thú, đặc biệt khi trẻ lạm dụng, bắt chước phim ảnh độc hại tình cờ xem được, hoặc chủ ý xem rồi nghiện, do phụ huynh không kiểm soát tốt.

Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Bởi một dị vật trong bất kỳ nơi nào trong cơ thể của bé có thể gây nhiễm trùng và tổn thương lâu dài, thậm chí thủng loét bỏng nếu sắc nhọn, chứa hóa chất..

Do đó, các bậc phụ huynh nên rà soát tất cả đồ chơi trong nhà phù hợp với lứa tuổi của trẻ, quan sát cẩn thận trong lúc trẻ chơi đùa. Cùng với đó, kiểm soát hành vi và văn hoá phẩm, thiết bị học tập giải trí mà trẻ tiếp cận khám phá.

Cách tốt nhất là phụ huynh nên dạy trẻ nhận thức được việc nhét đồ vật vào bất kì lỗ cơ thể là việc xấu và ngăn chặn, đưa trẻ thăm khám tâm lý sớm nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại