Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:14
RSS

Chuyên gia cảnh báo phụ huynh tất bật chuẩn bị Tết đừng lơ là để trẻ tử vong vì hóc dị vật

Thứ bảy, 16/01/2021, 09:14 (GMT+7)

Những ngày cận Tết, các bệnh viện liên tiếp ghi nhận bệnh nhi bị hóc dị vật. Có những trường hợp suýt tử vong chỉ vì chiếc tăm, hạt hướng dương… Dị vật đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh khi không được xử lý sớm.

Không biết mình nuốt phải dị vật

BVĐK Medlatec vừa xử lý thành công cho bệnh nhi N.T.H.M, nữ, 10 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) bị dị vật đường tiêu hóa. Trước đó, bệnh nhi đau bụng âm ỉ nhiều ngày, đau quanh vùng rốn và ở bên trái. Bệnh nhi đã được một cơ sở y tế chẩn đoán viêm dạ dày và điều trị theo đơn thuốc viêm dạ dày.

Tuy nhiên sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhi không đỡ đau bụng, nôn tăng, đau nhiều vùng bụng trái hơn. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa, cho chụp CT ổ bụng để tìm dị vật khi nghĩ đến nguyên nhân hiếm gặp ở trẻ như dị vật bỏ sót hoặc viêm túi thừa Meckel,... Kết quả, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy dị vật dài 6cm đâm xuyên quai ruột non và đại tràng bên trái. Dị vật được lấy ra là chiếc tăm nhọn.

Trước đó không lâu, các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa (BV Đà Nẵng), chỉ trong một ngày đã cấp cứu thành công liên tiếp 2 trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa ở hai vị trí khác nhau. Một bệnh nhân nuốt phải muỗng nhựa khi đang ăn. Sau khi nội soi dạ dày lấy dị vật, bác sĩ đã lấy ra muỗng nhựa dài khoảng 12 cm, rộng khoảng 2,5 cm. Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nuốt phải răng giả. Có trường hợp, người bệnh lại nuốt phải dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm có cạnh sắc nhọn…

Chuyên gia cảnh báo phụ huynh tất bật chuẩn bị Tết đừng lơ là để trẻ tử vong vì hóc dị vật
Bác sĩ thực hiện nội soi cho trẻ. Ảnh TTXVN

BS Trần Tuấn Anh – chuyên Khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec) cho biết, nguyên nhân dẫn tới hóc các dị vật này có rất nhiều, chủ yếu do yếu tố như ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn; ngậm các dị vật nhỏ vô tình nuốt… Với những người có bệnh lý ở dạ dày, tá tràng hẹp môn vị làm ứ đọng thức ăn hoặc người có bệnh viêm tụy mạn... nguy cơ hóc dị vật càng cao.

Dị vật đường tiêu hóa rất đa dạng, có thể là đồ chơi, xương cá, tăm… Không ít trường hợp không biết mình đã nuốt phải dị vật, chỉ khi có triệu chứng nặng vào viện mới phát hiện là do hóc dị vật.

Theo các chuyên gia, càng vào những ngày Tết, nguy cơ hóc dị vật càng cao, nhất là ở trẻ em. Do có nhiều công việc chuẩn bị Tết, chơi Tết nên phụ huynh đôi khi không để mắt đến con nhỏ và chỉ lơ là chút với sự hiếu động của trẻ là tai nạn có thể xảy ra. Nhiều trẻ ăn các loại hạt như hướng dương, hạt bí… không cẩn thận bị rớt vào đường thở hoặc thực quản. Nhiều trẻ đã tử vong vì không được xử lý kịp thời.

Những biến chứng khôn lường

BS Tuấn Anh cho biết, khi mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài không được phát hiện sẽ dẫn tới nhiều biến chứng khôn lường. Nạn nhân có thể bị tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn tới Xuất huyết tiêu hóa dị vật đâm thủng ống tiêu hóa gây áp-xe trong thành ống tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc.... Những chất độc có trong dị vật cũng dễ khiến người bị hóc dị vật bị ngộ độc. Nguy hiểm hơn cả là nạn nhân có thể bị tử vong tức thì trong trường hợp dị vật ở thực quản, dị vật có thể đâm vào động mạch chủ.

Theo BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, phó khoa Ngoại Tiêu hóa (BV Bình Dân), bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau khi bị dị vật đường tiêu hóa. Cụ thể

+ Dị vật ở thực quản, người bệnh có cảm giác nuốt vướng, nuốt khó, đau và không ăn uống được, nôn khi ăn. Ở giai đoạn muộn, dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải khiến người bệnh đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm rãi, sốt…

+ Dị vật dạ dày: Người bệnh vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.

+ Dị vật đại trực tràng, người bệnh có triệu chứng mơ hồ. Những ngày đầu người bệnh đau bụng âm ỉ nên dễ nhầm các bệnh lý khác. Khi ở giai đoạn muộn thành khối áp xe, bệnh nhân sốt, nhiễm trùng nặng hơn, có hội chứng viêm phúc mạc.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị mắc dị vật, người bệnh cần được đưa sớm tới cơ sở y tế. Việc tự ý điều trị ở nhà, dùng mẹo dân gian hay nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật "trôi" xuống… đều dễ làm tình trạng thêm phức tạp và tổn thương thêm đường tiêu hóa.

Nhiều trường hợp bị bỏ sót do những dị vật không cản quang khó phát hiện bởi những xét nghiệm, thăm dò cơ bản. Bởi vậy, người bệnh cần được thăm khám tỉ mỉ, thực hiện thêm các kĩ thuật hiện đại như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner)… để phát hiện chính xác.

Trẻ nhỏ là đối tượng nguy cơ cao dễ bị hóc dị vật, bởi vậy cha mẹ luôn cần để mắt tới. Không nên cho trẻ chơi, ngậm những đồ vật nhỏ, trẻ không ý thức được tác hại có thể nuốt phải. Mọi người cũng cần chú ý trong ăn uống nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa…

Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhét vào âm đạo. Nhiều trẻ vào viện ngoài hóc dị vật còn phát hiện dị vật âm đạo. Dị vật âm đạo có thể dẫn tới chảy dịch âm đạo, viêm âm đạo và viêm phần phụ ở trẻ khi không được phát hiện sớm.

P.Thuận
Theo Gia đình Xã hội