Một món ăn rất quen thuộc như bún mọc cũng có thể khiến một cháu bé 6 tuổi mất mạng vì hóc dị vật
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa cho biết, các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực của BV đã tiếp nhận trường hợp cháu bé 6 tuổi ở TP. Biên Hoà trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn vì hóc dị vật theo sức khỏe và đời sống
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu khẩn cấp, đặt ống nội khí quản, nâng huyết áp, gắp dị vật ra khỏi đường thở và tiến hành hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, do tình trạng não bị thiếu oxi quá dài trong khoảng 20 phút nên tình trạng của bé không được cải thiện.
Theo lời kể của gia đình, trong khi đang ăn sáng món bún mọc, do bị cay nên bé hít hà làm viên mọc rơi vào khí quản. Do viên mọc to, chặn hết đường thở nên bệnh diễn tiến rất nhanh. Mặt khác, thức ăn cay khiến bé bị sặc nên cũng gây tổn thương phổi nặng. Mặc dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng rất tiếc bé đã không qua khỏi. Sau khi nghe bác sĩ giải thích tình hình, gia đình đã xin về và bé qua đời sau đó.
Liên tiếp các ca hóc dị vật đáng tiếc xảy ra khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Hình minh họa
Trước đó tại BV Nhi Trung ương cũng tiếp nhận hai trường hợp vô cùng đáng tiếc vì hóc dị vật.
Trường hợp đầu tiên là một bé trai 2 tuổi ở Nam Định, sau khi đi học về được người thân cho ăn nhãn nhưng không tách hạt. Bé đã cho nguyên cả quả nhãn vào miệng dẫn tới bị hóc, ho sặc sụa tím tái. Gia đình đã sơ cứu cho bé trước khi chuyển tới bệnh viện huyện. Tại đây bé được đặt nội khí quản và chuyển đến bệnh viện tỉnh rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mặc dù các bác sỹ đã cố gắng hết sức nhưng do cấp cứu ban đầu không đúng, hạt nhãn bít kín đường thở nên bệnh nhân tổn thương não, hiện đang sống thực vật.
Hạt trân châu trong trà sữa làm bằng bột dẻo dễ dẫn tới tai nạn khi thức ăn lọt vào thanh quản.
Còn trường hợp đau lòng khác là một bé gái 11 tuổi bị tử vong thương tâm do hóc hạt trân châu trà sữa. Được biết, trong lúc uống trà sữa, khi thấy có hạt trân châu kẹt trong ống nên bé đã hút mạnh. Lúc này, hạt trân châu đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở của bé.
Nhận thấy con gái bị nghẹn, không thể hít vào hay thở ra. Người mẹ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich, tuy nhiên tất cả đều vô tác dụng. Khi đưa tới bệnh viện, bé đã tử vong.
Những kỹ năng cơ bản sơ cứu khi bé bị hóc – sặc cha mẹ cần phải biết:
Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:
Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm cách khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.
Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh.
Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Xem thêm Clip: Hãy đọc bài viết này nếu bạn sợ bé ăn dặm tự chỉ huy bị hóc nghẹn