Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:03
RSS

Bão số 2 khiến 1 người chết, nhiều công trình dân sinh hư hỏng

Thứ hai, 03/08/2020, 10:46 (GMT+7)

Mưa bão số 2 đã làm 1 người chết, 1 người bị thương và hàng trăm ngôi nhà bị ngập lụt, hư hỏng.

Sự kiện:
Quảng Ninh

Theo Thanh Niên sáng 3/8, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bình Định, bão số 2 và mưa lớn do hoàn lưu sau bão đã gây ra một số thiệt hại về người và tài sản.

Tại Quảng Ninh ghi nhận đã có 1 người chết, nạn nhân là ông Đỗ Văn Mạnh gặp nạn do kè đổ vào lán trại ở công trường ở P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long. Quảng Ninh có 1 nhà bị sập mái do mưa bão.

Tại Lâm Đồng, trong ngày 2/8, mưa bão cũng đã làm 1 người bị thương.

Tương tự Hà Tĩnh ghi nhận mưa lớn trong ngày 2/8 đã làm ngập úng 2.421 ha lúa và 21 ha hoa màu, cho đến sáng nay, nước đã rút hết.

Tại Cà Mau, mưa kèm giông lốc trong ngày 2/8 đã làm 3 nhà sập và 13 nhà tốc mái.

Trong khi đó, tại Đắk Lắk, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 từ ngày 31/7 đến 1/8 đã làm 931 nhà bị ngập; 183 ha lúa, 4.208 ha cây trồng bị thiệt hại. Mưa lũ đã cuốn trôi 17.070 con gia cầm và 61 con gia súc, làm thiệt hại 28 ha ao cá, sạt lở 200 m đường giao thông

Bão số 2 khiến 1 người chết, nhiều công trình dân sinh hư hỏng
Nhiều ngôi nhà tại Đắk Lắk bị ngập úng. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Trước đó từ chiều 2/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão, trong ngày 2/8, trên cả nước đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tại Bắc bộ, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, lượng mưa lên tới hơn 100 mm. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có mưa rất to, có nơi lượng mưa lên đến 469 mm (Hà Tĩnh).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia hôm nay, 3/8, tiếp tục cảnh báo mưa lũ phức tạp sau bão số 2. Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tiếp tục yêu cầu chính quyền các địa phương, đặc biệt là khu vực trung du, vùng núi phía bắc, cần cử người theo dõi, canh gác các ngầm, tràn, không cho người dân, phương tiện giao thông qua lại khi có mưa lũ.

Cùng với đó, kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Rà soát, kiểm tra phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du, tránh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du…

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN