Theo Tiền Phong ngày 2/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp tử vong liên quan đến covid-19 tại Đà Nẵng sẽ không được tổ chức tang lễ tại nhà mà phải tiến hành khâm liệm tại bệnh viện rồi hỏa thiêu ở Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang).
Theo đó, trong số 5 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19, có 3 trường hợp tử vong ở Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu) và 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ba trường hợp tử vong tại Đà Nẵng sẽ được khâm liệm để chuyển đến nhà hỏa thiêu.
Hai trường hợp tử vong tại Huế, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bệnh viện T.Ư Huế có trách nhiệm xử lý. Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu nhà tang lễ thành phố hỗ trợ việc bảo quản thi hài người bệnh liên quan đến Covid-19 đã qua xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quy định về xử lý thi hài người nhiễm và nghi ngờ nhiễm Covid-19 của Bộ Y tế, người tử vong liên quan đến Covid-19 có thể được mai táng hoặc hỏa táng; quy trình xử lý thi hài bệnh nhân được quy định nghiêm ngặt, vận chuyển đến nơi hỏa táng, mai táng bằng xe chuyên dụng.
Việc hỏa táng, mai táng phải thực hiện trong thời gian sớm nhất sau khi bệnh nhân tử vong. Toàn bộ khu vực hỏa táng, mai táng phải được phong tỏa, khử khuẩn trước và sau khi hỏa táng, mai táng.
Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng quy trình xử lý thi hài người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Bệnh viện Ung bướu vẫn đang xây dựng quy trình vì chưa tính toán đến trường hợp có người chết liên quan đến Covid-19 khi đang điều trị tại đây.
Ngoài ra, theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, những trường hợp bệnh nhân đang điều trị trong khu phong tỏa (tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) mà tử vong, thi hài cũng sẽ được xử lý như ca nhiễm Covid-19.
Hiện nay, Đà Nẵng chỉ có Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) với 2 lò hỏa táng hiện đại. Trung bình mỗi ngày, trung tâm có thể hỏa thiêu tối đa 12 người (mỗi thi hài được hỏa thiêu 3 đến 4 giờ).