Thứ năm, 28/03/2024 | 18:26
RSS

Ăn tiết canh: Nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Thứ tư, 15/02/2017, 10:26 (GMT+7)

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết có khoảng gần 70% số ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2016, bị điếc sau khi đã chữa trị khỏi.

Tổng số ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM phát hiện trong năm 2016 là 15 trường hợp. Trong đó, nam giới chiếm hơn 70%. So với năm 2015, số ca nhiễm khuẩn cầu lợn tại TP.HCM tăng 200%.

Điều đáng mừng là không có ai tử vong vì nhiễm liên khuẩn cầu lợn. Tuy nhiên, có đến 10/15 số bệnh nhân trên đã bị điếc, mặc dù đã chữa trị khỏi.

Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường là những đối tượng buôn bán thịt lợn, bán cơm, hủ tiếu, nội trợ... Bệnh thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Bệnh ít người mắc song tỷ lệ ca nặng, tử vong rất cao.

Tiết canh là món ăn nguy hiểm cho sức khỏe

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm). Thịt lợn phải được nấu chín trước khi ăn và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống.

Ngoài ra, bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết của lợn, ăn sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh. Người dân nên chú ý, nếu sau khi ăn hoặc tiếp xúc với lợn mà thấy sốt cao, nhức đầu, nôn, đau họng... thì cần đến bệnh viện để khám.


Theo Báo Người tiêu dùng