Kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2014, ông Ngô Văn Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng, nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh đã bỏ qua hàng loạt quy định về tiêu chuẩn, trình độ để bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức phó, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Tuy nhiên, ông Giám đốc sở sẽ không thực hiện điều này nếu không có sự đồng tình, thậm chí nhắm mắt của nhiều cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 30/3, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản thông báo về kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng giai đoạn từ 2010 - 2015.
Theo đó, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng vào làm việc từ ngày 29/7/2013. Bảy tháng sau đó, ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 1634 bổ nhiệm bà Quỳnh Anh giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Tiếp đó, đến ngày 7/11/2014, bà Quỳnh Anh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết việc giám đốc Sở Xây dựng thời kỳ đó là ông Ngô Văn Tuấn (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã bỏ qua hàng loạt quy định về trình độ, tiêu chuẩn để bổ nhiệm cán bộ.
Cụ thể, bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm khi chưa đủ các tiêu chuẩn: “thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ ba năm trở lên”; “có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên”; “đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước” theo Quyết định số 1138/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Thanh Hóa về Quy chế bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo.
Chưa hết, trách nhiệm ông Ngô Văn Tuấn cũng được nhắc đến khi trước thời điểm bà Quỳnh Anh được tuyển dụng, ông Ngô Văn Tuấn đã ban hành Quyết định số 2180 quy định tiêu chuẩn, điều kiện quy trình bổ nhiệm chức danh trưởng phòng, phó phòng thuộc Sở, nhưng không đưa vào nội dung văn bản này tiêu chuẩn: trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và những chứng chỉ nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên theo quy định tại Quyết định số 1138.
Từ tháng 4/2014, khi bà Quỳnh Anh vừa ấm chỗ thì được Sở Xây dựng bổ sung vào quy hoạch lãnh đạo Sở giai đoạn 2015 - 2020.
Kết luận thanh tra cho rằng việc quy hoạch này không sai vì đáp ứng cơ cấu nữ, cơ cấu trẻ theo yêu cầu chung cả nước nhưng có những thiếu sót: “Tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng không thực hiện nghiêm túc việc đánh giá toàn diện cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, đã đề nghị bổ sung bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào quy hoạch, làm cho chất lượng quy hoạch thấp, tạo dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm trong việc làm chưa tốt công tác thẩm định nhân sự đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, văn bản cho biết.
“Đánh tháo” hồ sơ
Ngoài việc bổ nhiệm thì việc bà Quỳnh Anh đột ngột thôi việc và giải quyết các vấn đề liên quan đã nổi lên hàng loạt vấn đề bất thường khác.
Cụ thể, sau khi dư luận ầm ĩ việc bà Quỳnh Anh là “bồ nhí” của một lãnh đạo cấp cao tỉnh Thanh Hóa thì ngày 20/9/2016, bà Quỳnh Anh có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin thôi việc tự nguyện. Ba ngày sau đó, đơn của bà Quỳnh Anh được giám đốc sở giải quyết.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Sở Xây dựng đã bàn giao cho bà Quỳnh Anh toàn bộ hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) khi bà này đến nhận quyết định cho thôi việc. Điều này cũng đồng nghĩa toàn bộ hồ sơ công chức của bà Quỳnh Anh đã không còn được lưu giữ tại Sở Xây dựng.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bà Quỳnh Anh được kết nạp Đảng vào ngày 9/8/2013, ngày chính thức là 9/8/2014. Sau khi được chuyển Đảng chính thức 7 tháng, vào tháng 4/2015, bà Quỳnh Anh đã được Đại hội Đảng bộ Sở Xây dựng bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ sở (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Kết luận cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết, bà Quỳnh Anh đã kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực. Từ tháng 9/2016, sau khi được lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa cho nghỉ việc thì bà Quỳnh Anh cũng bỏ luôn sinh hoạt Đảng.
“Kể từ tháng 9/2016 đến nay, bà Quỳnh Anh không sinh hoạt chi bộ và từ tháng 1/2017 đến nay không đóng Đảng phí và cũng không sinh hoạt chi bộ”, văn bản UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.
Đồng thời cho biết, sau khi bà Quỳnh Anh nghỉ việc, “Đảng ủy Sở Xây dựng đã không báo Ban Thường vụ Đảng ủy khối cơ quan tỉnh việc đã cho đồng chí Trần Vũ Quỳnh Anh nghỉ việc và không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho đồng chí Trần Vũ Quỳnh Anh, là không đúng quy định”.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng vụ việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh có thể coi như một “con voi chui lọt lỗ kim” khi các cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng tại cơ sở có sự giám sát với nhau đã bị vô hiệu hóa để cho những người không đủ tiêu chuẩn leo cao, chui sâu.
“Nội một cái chi tiết hồ sơ gốc của bà này hiện nay rút mất cũng gợn lên việc phải chăng có điều bất minh nên mới có sự đánh tháo như vậy. Cô này ở cấp trưởng phòng thì phải có cả sự quản lý của Sở Nội vụ đâu chỉ Sở Xây dựng, đâu phải là người thử việc mà muốn rút hồ sơ lúc nào thì rút”, ông Thuận nói.
Tham nhũng, nghỉ việc không lẽ pháp luật bó tay
Theo kết luận trên, bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã “kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định”, song, trong giai đoạn từ 4/2012 - 23/9/2016 “chưa phát hiện được bà Trần Vũ Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng. Đến thời điểm thanh tra, bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà”.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa là không phù hợp quy định bởi khi phát hiện người kê khai không trung thực thì phải xác minh làm rõ không trung thực ở đâu.
“Kể cả trường hợp bà Quỳnh Anh nghỉ việc thì cũng phải hồi tố làm rõ thời điểm bà này là cán bộ có những tài sản nào mà không khai báo hoặc khai báo không đúng. Nếu giải thích như vậy, không lẽ cứ tham nhũng xong nghỉ việc thì pháp luật bó tay”, ông Đạt nói.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng với các thông tin, dư luận báo chí nêu về tài sản bất minh phải được coi như là một tin báo tố giác mà các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh, không nhất thiết phải là đương chức hay mất chức.
“Như trường hợp ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ) đến khi về hưu rồi cơ quan chức năng làm rõ được hay trường hợp Trịnh Xuân Thanh từ việc sử dụng xe tư nhân biển xanh, khi cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện sai phạm hàng ngàn tỉ. Những người chức vụ lớn như thế còn làm được thì trường hợp này sao lại không làm được”, ông Thuận nói.
Theo ông Trần Quốc Thuận, vụ việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh cùng các vấn đề liên quan khác đã gây ra dư luận ầm ĩ từ rất lâu: “Tôi cho rằng đây là một vấn đề lớn, không chỉ khoanh vùng trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà phải có sự can dự nhất định của cơ quan chức năng từ T.Ư”.
“Lúc chưa thanh tra người ta đã lường biết kết quả rồi sẽ như thế này. Dư luận nói vì cô trưởng phòng có quan hệ với cán bộ cấp cao của Thanh Hóa, do đó kết luận của chính các cơ quan ở Thanh Hóa sẽ khiến người dân không phục. Do vậy các cơ quan ở T.Ư như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Nội vụ... cần phải vào cuộc mới khiến dân tâm phục khẩu phục”, ông Thuận nói.