Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:02
RSS

Hà Nội: Rau sạch "tắm" nước thải đen kịt của khu công nghiệp

Thứ năm, 30/03/2017, 19:00 (GMT+7)

Tại Di Trạch, Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội), nhiều hộ dân lấy nguồn nước tưới tiêu cho rau màu từ con mương nhỏ bắt nguồn từ nước thải nhà máy ở khu công nghiệp chưa được qua xử lý.

Sự kiện:

Là nguồn thức ăn hàng ngày không thể thiếu, thế nhưng ít ai biết công đoạn chăm sóc từ những hạt mầm trở thành bó rau được bày bán ngoài chợ diễn ra như thế nào, đặc biệt là tại những nơi được xem là “vựa rau” hay nơi cung cấp rau cho Hà Nội

Ngay tại Di Trạch, Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội), người dân chăm rau bằng nước thải nhà máy chưa được xử lý. Họ tưới trực tiếp lên rau mà không hề quan tâm có nguy hiểm cho người sử dụng hay không.

Theo ghi nhận của phóng viên Đời sống Plus tại hiện trường, nguồn nước tưới rau hàng ngày của người dân Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội) được dẫn trực tiếp từ nước thải khu công nghiệp Di Trạch (Hoài Đức- Hà Nội) ở cách đó khoảng 1km. Nguồn nước tưới tiêu được nhuộm một màu tím hồng, bốc mùi hôi thối, đầy rẫy bọ gậy và rác thải được nhà máy trong khu công nghiệp xả ra con kênh nhỏ kéo dài hơn 1km. Ngay đầu con kênh là trạm bơm lấy nước đổ đi các con mương, làm nước tưới rau, bón rau hàng ngày của người dân.

Các loại cây trồng chủ yếu "uống" nguồn nước thải là: Rau mùi, hành, ngò, tía tô, rau sống... Tuy nhiên, những bó rau này mà nhiều người dân ăn trực tiếp lại đang được chăm sóc bằng những thùng nước thải đầy rẫy chất độc hại. Người mua vô tình nhưng người trồng lại vẫn thờ ơ bón cho rau thứ nước đen kịt, bốc mùi hôi thối hàng ngày. 

Một người dân ở Vân Canh chia sẻ, việc tưới rau bằng nước ở con kênh nhỏ có màu đen ngòm này là không thể tránh khỏi. Bởi nguồn nước từ khu thải nước công nghiệp Di Trạch là nguồn nước duy nhất để tưới hàng ngày, nếu không sử dụng sẽ không có bất cứ nguồn nào thay thế.

Nước thải màu tím ngắt chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra con kênh nhỏ dài gần 1km (ảnh: Đoàn Huyền).

Khi phóng viên hỏi rằng, liệu tưới bằng nước thải công ngiệp chưa xử lý có đảm bảo an toàn, một nông dân cho hay: “Việc tưới vẫn cứ tưới, biết độc hại nhưng đây là nguồn nước duy nhất để chăm cho rau, không dùng thì biết lấy đâu ra nguồn khác. Từ trên nhà máy thải xuống đây cũng bớt đen rồi nên dùng chắc cũng đỡ hơn, không còn nhiều độc hại như nước đen ngòm trên đó nữa".

Cũng theo chia sẻ của một người dân đang trực tiếp rửa những mớ hành trắng nõn nà dưới con kênh bắt nguồn từ nước thải nhà máy, việc rửa hay tưới tiêu không thể bỏ được, nước chảy xuống khu vực này cũng không đen nhiều, mùi hôi thối thì đã... ngửi quen rồi nên vẫn sử dụng như bình thường.

Những bó rau được "tắm" bằng nước thải công nghiệp xanh mơn mởn được người dân đem bán cho thương lái đem đi tiêu thụ rải rác khắp các chợ, quán hàng tại Hà Nội. Với những mớ rau xanh ngon, ắt hẳn người dùng sẽ không bao giờ nghĩ rằng, chúng lại có chế độ "chăm sóc" đặc biệt như vậy.

TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm) cho hay, với nguồn nước xả thải từ nhà máy đen kịt, xuất hiện nhiều ký sinh trùng, bọ gậy thì lo ngại nhất là nhiễm hàng loạt các vi khuẩn gây bệnh đường ruột, trứng giun sán.

Chưa kể đó là nguồn nước thải từ nhà máy chưa xử lý chứa nhiều hóa chất độc hại, rất nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng người dùng. Khi rau được tưới, rửa bằng nguồn nước nhiễm độc sẽ được tích tụ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm có trong nguồn nước ô nhiễm.

Con kênh này lại đưa nước thải đến các con mương nhỏ, phân bố khắp vùng để người dân tiện tưới tiêu (ảnh: Đoàn Huyền).

Nước nhà máy xả được bơm và đẩy về các con kênh nhỏ được người dân tận dụng để tưới rau hàng ngày (ảnh: Đoàn Huyền).

Và tưới lên rau từ khi ươm mầm cho tới khi nhổ bán cho dân (ảnh: Đoàn Huyền).

Những cọng hành trắng nõn được rửa từ nguồn nước này. Người dân này cho biết, do đã quen mùi và bớt đen ngòm nên rửa luôn cho tiện (ảnh: Đoàn Huyền).

Kênh thải hôi thối nồng nặc, chỉ cần đi qua cũng đủ khiến nhiều người chóng mặt, buồn nôn (ảnh: Đoàn Huyền).

 

Đoàn Huyền
Theo Đời sống Plus