Hai lọ thuốc nhập từ Thái Lan với giá 8.000 USD/lọ để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay. Ảnh: NLĐ
Chiều ngày 7/9, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho SGGP Online biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chấp nhận cung cấp thuốc kháng độc tố botulinum cho Việt Nam Ông hy vọng trong thời gian tới, các bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay sẽ có thuốc điều trị.
“Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có chứng nhận cung cấp thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất có thể nhận được thuốc và chúng tôi sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc giải độc tố cho các bệnh nhân đã bị ngộ độc ở mức độ nặng, liệt hoàn toàn và thở máy khi thuốc về tới Việt Nam”, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin.
Theo TS Hùng, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bộ Y tế đang liên hệ với các quốc gia trên thế giới để tìm thuốc giải độc. Về mặt lý thuyết, loại thuốc này có hiệu quả tốt nhất trong tuần đầu tiên sử dụng. Theo thời gian, hiệu quả điều trị của thuốc giảm dần. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc càng sớm thời gian thở máy của bệnh nhân có thể được rút ngắn lại.
Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay, trước đó WHO tài trợ chi phí 2 lọ thuốc được sử dụng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, trong đợt cấp thuốc mới, ông chưa rõ đơn vị nào sẽ chi trả nguồn kinh phí này.
Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đây là loại ngộ độc không xảy ra thường xuyên. Vì vậy, số lượng công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc giải rất ít. Điều đó dẫn tới nguồn cung trên thị trường khan hiếm và giá thuốc đắt.
Mới đây, hai bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được sử dụng thuốc giải nhập từ Thái Lan với giá 8.000 USD một lọ. Nước này chỉ dự trữ dưới 10 lọ. Nhãn thuốc ghi rõ là chỉ sử dụng từ kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Theo ông Nguyên, do loại này được xếp vào nhóm “thuốc mồ côi”, các quốc gia phải dự trữ chúng cùng các thuốc hiếm khác. Việt Nam cần có kho thuốc dự trữ như vậy để bảo vệ sức khỏe toàn dân.