Trong mật ong cũng có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum. Ảnh minh họa
Như báo chí đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum được ghi nhận tại Việt Nam Vi khuẩn này được tìm thấy trong sản phẩm pate Minh Chay và gây các biến chứng nặng nề cho người sử dụng như liệt toàn thân và phải điều trị trong thời gian dài.
Trên thực tế, Clostridium botulinum không chỉ tiềm ẩn trong các loại đồ hộp. Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác đã có khuyến cáo không không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong dưới bất kỳ hình thức nào. Nguyên nhân là do các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong mật ong cũng có chứa vi khuẩn botulinum.
Về vấn đề này, trao đổi với Zing, TS Đào Tuyết Trinh - nguyên phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong mật ong có thể chứa C. botulinum nhưng ở dạng bào tử. Trẻ em có thể bị ngộ độc do ăn phải loại mật ong nhiễm bào tử vi khuẩn này. Tuy nhiên, đây là dạng ngộ độc khác với các ca bệnh ngộ độc pate Minh Chay đã ghi nhận trong thời gian qua.
"Chứng ngộ độc xảy ra khi trẻ sơ sinh ăn một số loại thực phẩm, như mật ong, chứa các bào tử của Clostridium botulinum. Vi khuẩn này cư trú và tạo ra chất độc thần kinh trong đường ruột của trẻ. Tình trạng này xuất hiện ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, phổ biến nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi" – TS Đào Tuyết Trinh nói.
Cụ thể, theo TS Trinh, đường ruột của trẻ trong vài tháng đầu đời chưa phát triển toàn diện. Vì vậy, mật ong sẽ được pha loãng trong hệ tiêu hóa ít oxy, có nồng độ axit thấp. Do đó, khi trẻ sơ sinh ăn mật ong (có chứa các bào tử của C. botulinum), mật ong sẽ được pha loãng trong hệ tiêu hóa ít oxy, có nồng độ axit thấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho bào tử Clostridium botulinum phát triển trong ruột và tạo ra độc tố.
“Trẻ nhỏ, thường trong vài tháng đầu đời, đường ruột chưa phát triển nên đôi khi tạo điều kiện cho bào tử C.botulinum phát triển trong hệ thống tiêu hóa và tạo ra độc tố. Tình trạng ngộ độc này thường xảy ra nhất sau khi uống mật ong” – TS Trinh phân tích.
Trẻ em bị ngộ độc thường có biểu hiện ban đầu là táo bón. Sau đó, phát triển thêm các triệu chứng khác như yếu cơ, bú khó, giảm trương lực cơ toàn thân kiểu lan xuống, chảy dãi, bỏ ăn, kích thích, khóc yếu.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm rằng, việc thanh trùng mật ong bằng cách đun nóng hầu như đều không đạt đến nhiệt độ để tiêu diệt các bào tử C. botulinum.
Không những thế, việc đun nóng mật ong sẽ phá hủy hương vị, mùi thơm, chất chống oxy hóa và dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này. Do đó, để đảm bảo an toàn cho con, TS Đào Tuyết Trinh khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên đợi cho đến khi trẻ được ít nhất 1 tuổi rồi mới cho trẻ sử dụng mật ong.
“Hầu hết các nguồn thông tin mà tôi được biết đều khuyến nghị nên đun mật ong ở 63 độ C trong 30 phút hoặc có thể lên đến 77 độ C. Tuy nhiên, bào tử C. botulinum vẫn có thể chịu đựng tốt ở mức nhiệt này.” – TS Trinh chia sẻ
Bên cạnh khuyến cáo như trên, BS Trinh cũng khẳng định Clostridium botulinum tồn tại trong mật ong không phải mối đe dọa với người bình thường. Nguyên nhân là vi khuẩn này không thể phát triển hoặc tạo ra độc tố trong môi trường có tính axit cao và độ ẩm của mật ong. Hai trường hợp bị tác động khi sử dụng loại thực phẩm này là trẻ sơ sinh và người có hệ miễn dịch kém.