Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:46
RSS

WHO kêu gọi các nước thức tỉnh khi có hơn 11 triệu người mắc Covid-19

Thứ bảy, 04/07/2020, 07:12 (GMT+7)

WHO ngày 3/7 hối thúc các nước đang bùng phát mạnh dịch Covid-19 cần "thức tỉnh" và "kiểm soát tình hình" thay vì chỉ trích và đổ lỗi lẫn nhau

Sự kiện:
Dịch Covid-19

WHO kêu gọi các nước thức tỉnh khi hơn 11 triệu người mắc Covid-19
Theo WHO, việc vội vã nới phong tỏa có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Worldometer, tính đến sáng nay 4/7, số người mắc Covid-19 đã lên xấp xỉ 11,2 triệu người, trong khi số người tử vong vượt 528.000 người. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, chỉ sau 7 tháng, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã gấp hơn 2 lần so với số người mắc cúm mùa hàng năm.

Tại một số quốc gia với năng lực xét nghiệm hạn chế, số ca mắc theo thống kê có thể chỉ phản ánh một phần nhỏ số ca mắc thực tế. Mỹ hiện vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với gần 2,9 triệu ca mắc Covid-19, hơn 132.000 ca tử vong. Dịch Covid-19 đang có xu hướng tăng tốc tại Mỹ khi số ca mắc mới trong ngày liên tiếp lập kỷ lục.

Ngày 2/7, Mỹ ghi nhận thêm hơn 55.000 ca mắc mới, cao nhất thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát. Trước tình hình này, nhiều bang của Mỹ đã phải hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa, áp dụng trở lại các biện pháp hạn phong tỏa một phần.

Tại Mỹ Latinh, số ca mắc Covid-19 ở Brazil chính thức cán mốc 1,5 triệu ca, chiếm 23% số người mắc toàn cầu, trong đó hơn 63.000 người đã tử vong. Ấn Độ cũng trở thành tâm chấn mới ở châu Á với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh lên 625.000 ca.

Châu Á và Trung Đông lần lượt chiếm 12% và 9% số ca mắc Covid-19 toàn cầu theo thống kê của Reuters. Các nước như Trung Quốc New Zealand và Australia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch mới trong vài tuần trở lại đây bất chấp các nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.

WHO ngày 3/7 hối thúc các nước đang bùng phát mạnh dịch Covid-19 cần "thức tỉnh" và "kiểm soát tình hình" thay vì chỉ trích và đổ lỗi lẫn nhau. "Mọi người cần thức tỉnh. Dữ liệu không nói dối. Tình hình thực tế không nói dối… Còn quá nhiều nước phớt lờ số liệu", Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan kêu gọi trong một cuộc họp báo ngày 3/7.

Ông Ryan cho rằng, các nước không nhất thiết phải phong tỏa toàn bộ quốc gia, thay vào đó chỉ cần phong tỏa từng khu vực. Cụ thể, với các khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp, địa phương có thể nới lỏng biện pháp phong tỏa nhưng vẫn tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm, cách ly và truy vết tiếp xúc khi xuất hiện các ca mới. Ở những nơi dịch lây lan khó kiểm soát, việc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt là bắt buộc.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm trên toàn cầu  cuộc đua bào chế vaccine và phát triển thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang ở giai đoạn nước rút. Hãng sản xuất dược phẩm Zydus (Ấn Độ) hôm 3/7 cho biết đã được các cơ quan quản lý Ấn Độ chấp thuận để bắt đầu nghiên cứu đối với ứng viên vaccine tiềm năng ở người.

Công ty Zydus cho hay vaccine tiềm năng của họ cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh trong các nghiên cứu trên động vật và các kháng thể được tạo ra có thể vô hiệu hóa hoàn toàn loại virus này. Zydus sẽ bắt đầu thử nghiệm trong tháng này trên 1.000 người ở nhiều địa điểm tại Ấn Độ.

Trước Zydus, Tổng cục Kiểm soát Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) hôm 29/6 đã phê duyệt Covaxin, ứng viên vaccine tiềm năng do Công ty Bharat Biotech phát triển, được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 trên người.

Trong khi đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hôm 2/5 cho hay đã cùng Tập đoàn Dược phẩm ChemRar (Nga) bắt đầu xuất khẩu thuốc Avifavir điều trị Covid-19. Khoảng 100.000 liều thuốc trị cúm này đã được chuyển đến 35 khu vực của Nga và Belarus trong tháng 6. Theo hãng tin Reuters, RDIF cho biết sẽ hợp tác với ChemRar tăng khả năng sản xuất lên 300.000 liều để đáp ứng nhu cầu trong nước và cung cấp cho 50 nước trên thị trường quốc tế

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN