Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:18
RSS

Vụ thủy điện Mây Hồ: Những người xô xát với chúng tôi là 'xã hội đen'

Chủ nhật, 20/03/2022, 15:15 (GMT+7)

Liên quan đến vụ xô xát ở thủy điện Mây Hồ (Sa Pa), đại diện người dân cho biết, 100% người đánh họ không phải công nhân mà là người từ nơi khác đến.

Liên quan đến vụ xô xát giữa người dân địa phương và người cầm hung khí ở thủy điện Mây Hồ (Sa Pa), trao đổi với Dân Việt, ông Lý Quẩy Vảng và ông Lý Quẩy Vạn, thôn Lủ Khấu, đại diện cho 6 hộ dân của hai trại nuôi cá hồi đã có những phản hồi mới nhất về vụ việc.

Nói về vụ xô xát xảy ra vào chiều 14/3, ông Vảng cho hay, những người này trong tay cầm theo hung khí là thanh sắt và tuýp nhựa dài. Theo ông Vảng, những người này ra tay trước và liên tục đánh mấy anh em ở gần đó. Do các hộ gia đình không có gì trong tay nên phải nhặt đá ném để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, những người dân nhặt đá ném nhưng không hề trúng người vì những thanh niên này chạy loăng quăng khắp suối. 

Ông Vảng khẳng định: "Những người xảy ra xô xát với chúng tôi hôm đó không phải công nhân mà 100% là "xã hội đen". Ở đó chỉ có hai máy xúc với ô tô mà đưa vào lắm công nhân thế làm gì, đó là những người từ nơi khác đến". 

Ông Lý Quẩy Vạn cũng khẳng định rằng "100% những người có mặt đánh chúng tôi không phải công nhân, nhiều thanh niên còn rất trẻ".

Người dân địa phương khẳng định, những thanh niên xô xát với họ không phải công nhân. Ảnh: Dân Việt.

Trưởng thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn - ông Lý Láo Sỳ nói: "Chỗ 49 người bị đưa đến Công an thị xã Sapa tiếp tục điều tra không có người dân của thôn, tôi cũng không biết người ở đâu, khi xảy ra xô xát dân hỏi họ bảo ở thành phố Lào Cai. Hôm đó thi công thấy toàn cầm gậy tuýp sắt, đấy không phải công nhân, họ rào rồi có người đứng xung quanh, chỉ có mỗi máy múc và ô tô làm móng đập".

Nói về việc có nhiều người dân tham gia vụ xô xát, ông Lý Láo Sỳ cho hay: "Người dân ra đông vì mùa này làm nương rẫy, rủ nhau đi xem, thấy đánh nhau lại đi cứu, đi giúp nhau nên mới đông như vậy. Cuối cùng ra lại lộn xộn chả biết ai đánh ai. Vụ việc xô xát xảy ra khiến 5 người ở thôn Lủ Khấu phải nhập viện cấp cứu, có người bị nặng nhất phải khâu 10 mũi, 7 người bị thương nhẹ được điều trị tại nhà".

Đại diện của thôn Lủ Khấu nói thêm trên Dân Việt: "Bà con muốn giải quyết dứt điểm thì không nói gì. Còn vụ việc vừa rồi do chưa đạt được thỏa thuận, đền bù được với mấy hộ nuôi cá nên khi công ty thi công người dân không cho làm, nếu đền bù xong thì 9 hộ thả cá cũng không nói gì. 

Mong mọi việc sớm đạt được thỏa thuận để bà con yên tâm phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương".

Trao đổi trên Lao động ngày 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo xử lý việc xảy ra tại Thủy điện Mây Hồ (thôn Là Khẩu, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa).

Cụ thể, UBND thị xã Sa Pa tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã Ngũ Chỉ Sơn tuyên truyền, vận động nhân dân không được tụ tập đông người gây cản trở việc thi công tại dự án thủy điện Mây Hồ; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Cùng với đó cần đôn đốc Công ty TNHH Năng lượng Mây Hồ thực hiện đúng biên bản, cam kết với nhân dân; xác minh và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với Công ty TNHH Năng lượng Mây Hồ cần tổ chức rà soát lại công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và phạm vi, ranh giới đất của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngày 16/3, báo Lao động đưa tin, cơ quan Công an thị xã Sa Pa đã triệu tập 49 trường hợp liên quan đến vụ xô xát tới làm việc phục vụ công tác điều tra. Phía doanh nghiệp thi công thủy điện Mây Hồ là Công ty TNHH Xây dựng An Phú sẽ hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân và 2 thôn trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn là 520 triệu đồng.

Trước đó, chiều 14/3, khoảng 50 người tự nhận là người của chủ đầu tư đến khu vực thi công đập đầu mối của thuỷ điện Mây Hồ để công nhân tiếp tục thi công. Tại đây, một số người dân thuộc thôn Can Hồ B và thôn Lủ Khấu đã ngăn cản, không cho thi công công trình.

Vụ xô xát thủy điện Mây Hồ: Đại diện người dân nói gì?

Khu vực xảy ra xô xát. Ảnh: Lao động.

Trong quá trình này, số người tự nhận là công nhân của thuỷ điện đã dùng tuýp sắt xô xát với người dân. Vụ xô xát làm 14 người bị thương, trong đó có 6 người dân và 8 người tự nhận là người của thuỷ điện Mây Hồ. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã đến bảo vệ hiện trường, ngăn chặn vụ việc, giải tán đám đông, đưa người bị thương đi cấp cứu.

Sáng 16/3, trao đổi với báo Dân Việt về vụ xô xát tại thủy điện Mây Hồ, ông Đinh Huy Cường - Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ xô xát tại thủy điện Mâu Hồ là do hiện nay còn 3 hộ dân nuôi cá hồi cho rằng phía Chủ đầu tư dự án thủy điện thi công ở đầu nguồn nước gây ảnh hưởng đến họ. Hiện 49 người ở địa phương khác đến đã được Công an thị xã Sapa đưa về trụ sở để lấy lời khai, điều tra làm rõ.

Chia sẻ trên Dân Việt, ông Vảng cho biết, trại cá hồi của ông được đầu tư xây dựng từ 2014 - 2015 hết khoảng 800 triệu đồng. "Ban đầu, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, khi thỏa thuận với Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ (Công ty Mây Hồ) ở UBND xã chúng tôi đã giảm xuống 2 tỷ nhưng phía Công ty không đồng ý mà nói hỗ trợ theo giá nhà nước được 600 triệu đồng", ông Vảng nói.

Nhóm hộ của ông Lý Quẩy Vạn, ao cá to hơn nên ban đầu mong muốn hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, sau khi xảy ra xô xát, ông nói: "Phải hỗ trợ 4 tỷ đồng mới được". Từ khi thủy điện Mây Hồ thi công ao cá của nhóm hộ ông Vảng và ông Vạn đã không nuôi được gì, không có nguồn thu.

Ông Vảng nói thêm: "Cuối năm 2021, Công ty Mây Hồ mời mấy gia đình nuôi cá lên trụ sở UBND xã Ngũ Chỉ Sơn trao đổi về mức đền bù với Phó Giám đốc công ty, nhưng hôm đó không thấy hỏi gì đến hai trại cá phía dưới, mà chỉ giải quyết chỗ hộ ở thôn Can Hồ B, phía công ty đưa giá hỗ trợ 2 tỷ đồng nhưng hộ dân ấy không đồng ý, sau đó Phó Giám đốc về nên không giải quyết được".

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại