Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:17
RSS

Vợ chồng nông dân mua xe ô tô trăm triệu chở bệnh nhân nghèo miễn phí

Thứ hai, 04/03/2019, 15:22 (GMT+7)

Chiếc xe ô tô cũ gắn dòng chữ “cấp cứu nhân đạo” không phải của một bệnh viện hay trung tâm y tế nào mà là của một anh nông dân nghèo.

Người nông dân “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà chúng tôi nhắc đến là anh Trần Thanh Khiết (43 tuổi, trú thôn 5, xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Không khó để tìm đến nhà anh vì gần một năm qua, anh cùng một chiếc xe cấp cứu đã giúp cho hàng chục người dân mấy xã quanh vùng sơn cước này khi gặp nạn.

Vay tiền mua xe cứu người

Rót nước mời khách, chị Hoàng Thị Tuyết (vợ anh Khiết) cho biết anh đang làm việc trên rẫy cách nhà không xa.

Nghe có khách anh Khiết vội về nhà. Trước mặt chúng tôi là anh nông dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn.

“Không có ai gọi nhờ chở đi cấp cứu thì mình lên rẫy cuốc đất trồng mấy cây ngô để kiếm cái mà bỏ bụng chơ chú” - anh cười nói.

Vợ chồng nông dân mua xe ô tô trăm triệu chở bệnh nhân nghèo miễn phí
Anh Trần Thanh Khiết được nhiều người dân nghèo biết bởi anh dùng xe nhà để chở người đi cấp cứu miễn phí

Anh Khiết kể, trước đây anh vốn làm nghề lái xe cho một công ty vận tải. Sau nhiều năm, công việc không thuận lợi, công ty bị giải thể nên quay về làm nông dân với mấy sào rẫy để trồng khoai mì, trồng cây ăn quả cùng nuôi mấy con lợn kiếm thêm thu nhập. Trong quá trình làm tài xế, bản thân anh từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm vì không được cấp cứu kịp thời, nên nhiều người bỏ mạng oan uổng.

Về quê, chứng kiến những vụ tai nạn giao thông tai nạn lao động, rồi ốm đau khẩn cấp xảy ra hàng ngày nhưng thiếu phương tiện cấp cứu kịp thời. Trong tâm khảm anh Khiết dấy lên niềm thương cảm đối với những người dân nghèo.

Tháng 11 năm ngoái, có người ở địa phương rao bán chiếc ô tô 4 chỗ đời cũ, anh Khiết bỗng như bị ám ảnh bởi những tai nạn đáng mà anh từng chứng kiến nên nảy sinh ý tưởng mượn tiền mua lại xe làm phương tiện chuyên chở miễn phí cho người dân nghèo.

“Miền sơn cước này cách trung tâm huyện đến hơn hai chục cây số. Để đến được viện, người dân phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, nhiều người vì không được cấp cứu kịp thời mà nguy đến tính mạng nên khi thấy xe còn tốt, tui quyết tâm phải mua được chiếc xe này làm xe cứu thương nhân đạo” - anh Khiết nói.

Hôm sau, hai vợ chồng anh cùng xoay xở vay mượn tiền để mua xe. Xe cũ, tuy chỉ bán với giá gần 100 triệu đồng nhưng là một con số rất lớn đối với một gia đình nông dân ở vùng núi như anh Khiết. Khi mua được xe và đưa về nhà, anh làm ngay hai việc là đi in tấm biển “xe cấp cứu nhân đạo” gắn trước kính xe. Cùng lúc đến các trạm y tế các xã quanh vùng xin phép dán số điện thoại của mình lại đó.

Vợ chồng nông dân mua xe ô tô trăm triệu chở bệnh nhân nghèo miễn phí
Anh Khiết bên chiếc xe "cấp cứu nhân đạo" do vợ chồng anh vay mượn để mua

Đến nơi đâu, anh Khiết cũng dặn đi dặn lại cán bộ các trạm y tế này là hễ có người đau ốm cần chở đi xuống bệnh viện cấp cứu là chỉ cần điện thoại ông sẽ lập tức tới chở đi ngay. Ngoài ra, anh còn đưa thông tin này lên cả Facebook để nhiều người biết đến hơn. Lo nhiều người hiểu nhầm anh lái xe chở thuê, anh Khiết luôn “dặn” kỹ ở cuối mỗi dòng nhắn là “Đừng lo. Xe tui chở miễn phí”.

Đơn giản thế thôi nhưng từ khi mua xe về đến nay, hàng chục cuộc điện thoại của “khách hàng” đều là bệnh nhân của người dân xung quanh vùng gọi đến. Nhiều người dân địa phương đã được anh đưa đi cấp cứu kịp thời.

Đang dở câu chuyện thì bất giác, tiếng chuông từ chiếc điện thoại “cùi bắp” để trên phiến đá ở một góc rẫy bỗng đổ chuông liên tục, anh Khiết thả nhanh cây cuốc đang cầm dở trên tay xuống rồi chạy nhanh đến chiếc điện thoại. Không nghe rõ đầu dây phía bên kia nói gì, chỉ nghe anh Khiết liên tục nói: “Tui đến liền…”.

Vừa chỉ kịp lột tấm áo khoác bê bết đất xuống, anh Khiết cùng chúng tôi chạy nhanh trở về nhà. Vừa thay đồ xong, anh nhanh chóng chạy đến mở cửa xe có tấm biển màu đỏ gắn ở mặt kính phía trước cửa, trên biển có ghi: “Xe cấp cứu nhân đạo”  rồi lao về hướng đường Quốc lộ 12 trước mặt. Nói giọng rất vội: “Có người bị tai nạn giao thông trên ni. Tui phải đi chở họ đi cấp cứu cho kịp đã…”

Chị Tuyết cho hay chồng chị không còn lạ gì với những cuộc điện thoại gấp gáp khi đang đi làm rẫy như thế. Người dân những xã phía tây của huyện cũng không còn lạ lẫm gì với hình ảnh chiếc xe ô tô này lao đi khẩn cấp như thế.

Không mong người trả ơn

So với những gia đình khác ở miền sơn cước này, hoàn cảnh gia đình anh Khiết không có gì là khá giả. Mấy năm nay, ngoài việc làm mấy sào rẫy, anh phải kiêm thêm việc nhận quay vịt, heo tại nhà để có thêm thu nhập. Đồng lương của vợ anh (làm hộ sinh của trạm y tế xã) không cân đối nổi cuộc sống của cả nhà. Nhất là khi bốn đứa con đã lớn, đứa đầu đã vào đại học nhưng anh Khiết nhất quyết không bao giờ lấy tiền của bất cứ ai mình chở đi cấp cứu, dù có lúc người nhà muốn trả ơn anh.

Ông Trần Đức Hòa (hàng xóm với anh Khiết), kể lại với giọng đầy hàm ơn về chính con trai ông cũng vừa được anh Khiết cứu giúp kịp thời hai tháng trước.

Khi đó con ông Hòa đi nhậu cùng bạn do bất cẩn nên bị tai nạn cách nhà mấy cây số. Đang ăn cơm tối nhưng khi được nhờ anh Khiết vội bỏ bát để chở người bị tai nạn xuống Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình cấp cứu. Nhờ cấp cứu kịp thời, may mắn, chỉ khoảng hơn nửa tháng sau con ông Hòa đã khỏe lại.

“Nếu không có xe cấp cứu của anh Khiết chắc cháu nguy rồi. Bị tai nạn ở miền núi mà chờ cho có xe chở đi viện thì quá khó”, ông Hoà rưng rưng.

Anh Khiết chia sẻ: “Giúp được người khác là niềm vui của hai vợ chồng tui rồi. Hơn nữa tui cũng quá hiểu bà con quanh vùng đây đều nghèo khó cả. Thôi thì mình chịu khó cực thêm một chút cũng chẳng sao”.

Vợ chồng nông dân mua xe ô tô trăm triệu chở bệnh nhân nghèo miễn phí
Anh Khiết đưa chị Bùi Thị Thúy từ xã Quảng Liên xuống bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình khám bệnh

Đang dở câu chuyện thì anh Khiết có khách. Đó là một phụ nữ trung niên ôm bụng bước vào với dáng vẻ thất thểu. Chị là Bùi Thị Thúy (44 tuổi, trú cùng xã) bị sỏi túi mật nhưng chưa có tiền mổ, vừa qua trạm y tế thì được họ giới thiệu xuống viện khám nhưng không có tiền gọi xe cấp cứu nên qua tìm anh.

Chị Thúy vừa nói dứt câu, vợ chồng anh Khiết vội xúm vào đỡ ra xe. Chị Tuyết dúi vội vô tay chồng tờ 200 ngàn đồng để lỡ hết xăng dọc đường.

Mất khoảng 20 phút để chiếc xe cấp cứu nhân đạo chở chị Thúy về tới bệnh viện. Đưa chị Thúy vào nơi chờ khám xong anh Khiết không về ngay mà vẫn chờ luôn trước cổng bệnh viện. Hỏi sao chưa về, anh tỏ vẻ lo lắng: “Tui về cũng được. Nhưng giờ không có ai là người nhà của chị Thúy ở đây. Mà hoàn cảnh thì quá tội. Lỡ tí khám xong mua thuốc hết tiền mất thì ai chở về”.

Mất một buổi chiều lo 2 việc “bao đồng” dù rất mệt nhưng khuôn mặt anh Khiết lúc nào cũng vui tươi vì bản thây thấy làm được việc tốt.

“Ông trời cho mình sức khỏe thì mình phục vụ người khác thôi chú à. Mình không đòi hỏi tiền công cán chi từ họ mô, ai mà đi nhờ xe tui thì số họ đã khổ rồi. Tui nghĩ là mình giúp người lúc này, sẽ có lúc mình gặp khó thì có người khác giúp lại”, anh Khiết trải lòng.


Xem thêm: Một chiến sỹ CSGT bị tàu hỏa tông tử vong khi đang làm nhiệm vụ

Vũ Hoàng
Theo Gia đình Việt Nam