Thứ bảy, 18/01/2025 | 07:23
RSS

Sắp xếp tinh gọn bộ máy các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ

Chủ nhật, 08/12/2024, 06:50 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong tuần tới, dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch cho các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ ngành theo kế hoạch Thủ tướng đã phân công.

Trong phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ (ngày 7/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ. Ảnh VGP

Chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, lưu ý tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.

Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần tới, dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch cho các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ ngành theo kế hoạch Thủ tướng đã phân công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuần tới dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh VGP

Vào ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ trong đó có đề cập đến kế hoạch sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo đó, đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục: Đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc Bộ.

Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp công lập

Đối với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung: Đề nghị mỗi Bộ chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức tương ứng với các lĩnh vực sau: (1) Tổ chức cán bộ, (2) Pháp chế, (3) Hợp tác quốc tế, (4) Văn phòng, (5) Kế hoạch Tài chính, (6) Thanh tra.

Đối với Cục, Vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành:

Đề nghị rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức này theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, chỉ duy trì các vụ, cục có đối tượng quản lý chuyên ngành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết, đề nghị sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục này thành 01 đầu mối.

Hạn chế tối đa chuyển các vụ thành các cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ:

- Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức: Chỉ duy trì tối đa 05 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành (gồm: Viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức); đồng thời sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định, trong đó:

+ Viện: Đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

+ Báo, Tạp chí: Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 01 cơ quan báo (trong quá trình sắp xếp các Bộ, trường hợp có 02 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền) (gồm: báo in, báo điện tử và cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành) và 01 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức: Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật

Đồng thời, rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp): Thực hiện sắp xếp theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 4 cấp: quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, bảo đảm đến hết năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên.

+ Học viện, đại học, trường đại học: Đến năm 2025 đề nghị tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

+ Đối với bệnh viện: Chỉ giữ lại các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học; Đến hết năm 2025 các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc văn phòng, cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục thuộc bộ: Đề nghị sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị sự nghiệp công lập khác phải tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn lại: Yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ tài chính. Xây dựng phương án tự chủ về tài chính và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

PV
Theo Dân Việt