Bé gái uống nhầm xăng để trong chai nước ngọt. Ảnh minh hoạ
Trao đổi với Báo Người Lao động sáng 8/10, bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận, điều trị bé gái hơn 1 tuổi uống nhầm xăng để nhầm trong chai nước ngọt.
Theo bác sĩ Phát, người nhà bệnh nhi thông tin, chai nước ngọt chứa xăng không rõ đã đặt vào tủ lạnh khi nào, đến khi bé gái uống thì người nhà mới phát hiện. Vừa nuốt ngụm xăng, lập tức bé bị sặc.
Người nhà đã ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện gần nhà để cứu chữa. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm phổi do xăng, sau đó chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Trước đó, một số vụ trẻ uống nhầm xăng để trong chai nước ngọt cũng đã xảy ra. Điển hình là trường hợp bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ Đồng Nai) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước nhập viện bệnh nhi chơi với người em họ, hơn cháu 6 tháng tuổi ở sân nhà. Hai anh em thấy chai nước giải khát bên gốc cây, cậu bé mở nắp, ngửa cổ uống rồi ho sặc sụa, nôn ói. Nghe tiếng ho, ông nội của bé từ trong nhà chạy ra thì tá hỏa khi ngửi thấy mùi xăng nồng nặc từ miệng cậu bé.
Cháu bé nhanh chóng được người dân đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc diễn tiến ngày càng xấu, bệnh nhi tím tái khó thở, lơ mơ nên buộc phải chuyển lên TP HCM điều trị. Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi rơi vào hôn mê, suy đa cơ quan, viêm phổi.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát cho hay, các trường hợp khi uống nhầm xăng đều bị sặc, nôn ói, suy hô hấp. Nguyên nhân là do sau khi uống, xăng lan rộng vào các phế nang, mao mạch phổi khiến phổi viêm, đông đặc và không thể thông khí. Từ đó, nạn nhân sẽ thiếu oxy trầm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Do đó, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên chiết xăng ra các chai lọ có nhãn mác nước giải khát thường dùng. Đây không chỉ là nguyên nhân dễ dẫn đến các tai nạn cháy nổ mà còn dễ gây nhầm lẫn thành đồ uống cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy hại với gia đình có con nhỏ, khi không may để gần tầm tay, tầm mắt của trẻ.