Sáng 20/7, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cho biết, mới đây Khoa Cấp cứu bệnh viện này đã tiếp nhận cấp cứu một nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, chóng mặt,... do uống nhầm xăng.
Cụ thể, bệnh nhân là anh B.V.Đ. (24 tuổi). Người nhà bệnh nhân kể lại, sau khi uống nhầm chai xăng thì xuất hiện những triệu chứng như trên nên người nhà đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị theo phác đồ. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Như báo chí đã đưa tin, trước đó cũng đã có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu với lý do tương tự như trên. Điển hình là trường hợp bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ Đồng Nai) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm xăng.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước nhập viện bệnh nhi chơi với người em họ, hơn cháu 6 tháng tuổi ở sân nhà. Hai anh em thấy chai nước giải khát bên gốc cây, cậu bé mở nắp, ngửa cổ uống. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, nôn ói. Nghe tiếng ho, ông nội của bé từ trong nhà chạy ra thì tá hỏa khi ngửi thấy mùi xăng nồng nặc từ miệng cậu bé.
Ngay lập tức cháu được người dân đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc diễn tiến ngày càng xấu, bệnh nhi tím tái khó thở, lơ mơ nên buộc phải chuyển lên TPHCM điều trị. Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi đang rơi vào hôn mê, suy đa cơ quan, viêm phổi.
Uống nhầm xăng là tai nạn đặc biệt nguy hiểm. Ảnh minh họa
Uống nhầm xăng, dầu, hóa chất đựng trong chai nước giải khát là tai nạn đặc biệt nguy hiểm, hóa chất sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của cả trẻ em lẫn người lớn.
Người uống nhầm xăng sẽ có những biểu hiện có điểm giống và cũng có điểm khác biệt riêng so với các loại ngộ độc thông thường khác: ho sặc, ngạt thở, nôn ói; suy hô hấp nặng; co giật, kích thích và hôn mê; đau bụng, buồn nôn và tức ngực; bỏng thực quản; suy đa tạng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng chai nước giải khát để đựng những dung dịch xăng, dầu, chất tẩy rửa hoặc hóa chất nói chung. Những chai lọ chuyên dụng cho việc chứa các loại chất trên cũng phải để xa tầm tay của con trẻ. Khi phát hiện, chúng ta cần bình tĩnh và tiến hành sơ cứu người uống nhầm xăng như sau:
Bước 1: Lập tức gọi cấp cứu. Cách tốt nhất để cứu sống người bệnh đó là đưa họ tới cơ sở y tế nơi có các nhân viên y tế đầy đủ chuyên môn để có thể điều trị một cách nhanh nhất.
Bước 2: Kiểm tra tình trạng ý thức của bệnh nhân. Nếu người bệnh còn tỉnh táo, hãy trấn an họ rằng cấp cứu đang tới và giúp họ nghiêng người về đằng trước hoặc quay đầu sang phía bên cạnh nhằm đề phòng trường hợp nôn sặc bị nghẹn và hít vào.
Bước 3: Nếu người bệnh có tình trạng bất tỉnh, chúng ta cần kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn về chức năng hô hấp và tuần hoàn. Quan sát chuyển động của lồng ngực lên xuống đồng thời ghé tai lắng nghe âm thanh từ mũi và miệng của nạn nhân. Kiểm tra mạch đập ở cổ tay. Nếu như bệnh nhân ngừng thở, tim ngừng đập, hãy thực hiện kĩ thuật hồi sức tim phổi theo thứ tự CAB (Chest compression: Ấn tim - Airway: Thông đường thở - Breathing: hà hơi thổi ngạt).