Thứ tư, 24/04/2024 | 07:18
RSS

Tuyệt đối không ăn hai loại ốc này nếu không muốn rước họa vào thân

Thứ tư, 16/09/2020, 11:47 (GMT+7)

30 mẫu vật ốc biển đã nghiên cứu thuộc 2 loại ốc có chứa hàm lượng lớn chất tetrodotoxin, 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể khiến người bình thường tử vong trong khoảng 30 phút đến vài giờ sau khi ăn.

Sự kiện:
Ngộ độc

Hai loại ốc có chứa độc tố cực mạnh, tuyệt đối không nên ăn

Ốc bùn Răng cưa Nassarius papillosus (trái) và ốc bùn Bóng Nassarius glans (phải)

Mới đây, thông tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Khánh Hoà cho biết, vừa qua trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra vụ việc 3 ngư dân ngộ độc sau khi ăn ốc biển đánh bắt được, trong đó có 1 người đã tử vong.

Cụ thể, khoảng 9h ngày 11/9, 3 ngư dân lặn bắt được một số ốc trên vùng biển huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Sau đó, nhóm ngư dân ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho gia đình người quen nửa số ốc đánh bắt được. Số ốc còn lại được 3 ngư dân hấp ăn vào 16h cùng ngày.

Khoảng 30 phút sau, 3 người ăn xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19h, một trong 3 người có triệu chứng nặng và tử vong ngoại viện. Khoảng 1h ngày 12/9, hai nạn nhân còn lại được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và may mắn qua cơn nguy hiểm. 

Liên quan đến vụ việc này, TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, cơ quan này đã xác định tên và độc tố của loài ốc mà các nạn nhân đã ăn.

Theo đó, 29/30 mẫu vật ốc biển được phòng thí nghiệm về An toàn thực phẩm và môi trường (khu vực miền Trung), Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) đã nghiên cứu và phân tích thành phần hóa học là loài ốc bùn Răng cưa Nassarius papillosus. Mẫu còn lại thuộc loài ốc bùn Bóng Nassarius glans. 

Đặc biệt, cơ quan này xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả mẫu vật của 2 loài ốc nêu trên. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh. Chúng tác động hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Ước tính, 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể khiến người bình thường tử vong trong khoảng 30 phút đến vài giờ sau khi ăn.

Độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, chúng có thể tồn tại trong các thức ăn đã qua chế biến, thậm chí sản phẩm cấp đông, đóng hộp. Khoảng 30 phút sau khi ăn ốc, nạn nhân sẽ xuất hiện triệu chứng tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng (đi loạng choạng, lảo đảo).

Trường hợp nặng, nạn nhân có thể bị co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. Hiện các trường hợp ngộ độc tetrodotoxin nói chung và ốc biển độc nói riêng chưa có thuốc giải đặc hiệu. Do đó, khi bị ngộ độc, nạn nhân cần được đưa tới các cơ quan y tế gần nhất.

Theo TS Hà, thực tế, một số trường hợp ngộ độc tương tự do ăn ốc biển từng được ghi nhận tại các nước khu vực Thái Bình Dương. Các loài như ốc Mặt Trăng (Turban), ốc Đụn (The top of shells), ốc Tù Và (Trumpet shells), ốc Hương Nhật Bản (Ivory snails), ốc Trám (Oliva)..., có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Tùy thuộc vào từng loài ốc, chất gây độc có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các động vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn...) hoặc tetrodotoxin (độc tố trong cá nóc, mực Đốm Xanh hay cua Móng ngựa).

Nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay khá phức tạp. Nguyên nhân là không phải tất cả cá thể trong cùng một loài đều chứa độc tố. Độc tính trong từng cá thể, vùng địa lý, mùa vụ cũng có sự khác biệt. Do đó, TS Hà khuyến cáo người dân không nên ăn những loài ốc có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng nguồn gốc.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN