Thứ bảy, 20/04/2024 | 00:59
RSS

Tưởng bị bệnh chàm, đi khám phát hiện mắc bệnh tay chân miệng

Thứ ba, 10/11/2020, 06:20 (GMT+7)

Người phụ nữ đến bệnh viện khám vì nghi ngờ bị bệnh chàm với biểu hiện tổn thương trên da. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy người này mắc bệnh tay chân miệng, nghi lây nhiễm từ con.

Tưởng bị bệnh chàm, người phụ nữ 32 tuổi phát hiện mắc bệnh tay chân miệng khi đi khám

Bề mặt da tay của bệnh nhân bị tổn thương do mắc bệnh tay chân miệng Ảnh: Công lý

Ngày 10/11, TS Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho báo Công Lý biết, đơn vị này vừa tiếp nhận khám và điều trị cho một nữ bệnh nhân 32 tuổi mắc bệnh bạch hầu nghi lây nhiễm từ con.

Theo đó, bệnh nhân là chị P.T.D. (ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM) đến khám vì nghĩ bản thân bị chàm. Với tổn thương ban đầu trên da, nhân viên y tế nghi bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc nên chuyển đến Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da.

Tại đây, qua kiểm tra, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị các bóng nước không chỉ ở lòng bàn tay, bàn chân mà còn ở các vị trí khuỷu tay, chân, nếp gấp của da nên rất dễ bị nhầm với bệnh chàm và bệnh viêm da tiếp xúc. Nếu mới quan sát, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khả năng viêm da tiếp xúc hoặc bệnh chàm.

Qua điều tra bệnh sử bệnh nhân được biết, bệnh nhân D. đang chăm con 9 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, do đó các bác sĩ đã nghĩ tới khả năng chị D. bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng.

Kết quả xét nghiệm tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da cho thấy bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là trường hợp hy hữu vì người lớn mắc bệnh bởi lẽ tay chân miệng vốn là bệnh thường gặp trẻ em.

Theo bác sĩ Khanh, tay chân miệng rất hiếm gặp ở người lớn do sức đề kháng tốt và có ý thức vệ sinh hơn. Người lớn mắc bệnh này thường không biểu hiện bên ngoài nên rất khó nhận biết và kiểm soát. 

Dù vậy, mỗi năm, bệnh viện vẫn tiếp nhận một số trường hợp tay chân miệng ở người lớn. Virus gây bệnh có khả năng lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp các dịch tiết mũi họng, nước bọt, phân của người bệnh hoặc vật dụng, đồ dùng chung.

Người lớn mắc tay chân miệng có thể là nguồn lây truyền rất nguy hiểm do tâm lý chủ quan, tiếp xúc nhiều với trẻ nhỏ. Các dấu hiệu tay chân miệng ở người lớn có thể bị nhầm lẫn với một số vấn đề da liễu thường gặp như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da côn trùng, chàm...

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), 9 tháng 2020, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng tại 24 quận, huyện. Theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch tay chân miệng xuất hiện vào khoảng tuần 39 đến tuần 44 của năm, có thể xuất hiện thêm số ca bệnh nặng và sau đó giảm dần.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN