Tình hình bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa
Ngày 14/10, bác sĩ Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) cho TTXVN biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 12/10, Đắk Lắk ghi nhận hơn 900 ca mắc tay chân miệng tại 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột có số ca mắc cao nhất với 230 ca, huyện Cư M’gar 154 ca, huyện Buôn Đôn 109 ca. Đáng chú ý, những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến, đặc biệt là sau thời gian học sinh bước vào năm học mới 2020-2021. Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 80 - 130 ca tay chân miệng/ngày (trước đó khoảng 30 - 40 ca tay chân miệng/ngày).
Trước sự gia tăng đột biến của bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phổ biến các hướng dẫn chuyên môn đối với Trung tâm Y tế tuyến huyện để triển khai biện pháp khoanh vùng ổ dịch và điều trị ca bệnh, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trước tình hình đó, ngày 8/10, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã có văn bản gửi Sở giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này triển khai cho các trường học xây dựng kế hoạch, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Đồng thời, tổ chức phổ biến các kỹ năng cho cô giáo, người chăm sóc trẻ về các biện pháp phòng chống dịch. Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh cá nhân tại trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng.
Ngoài ra, tăng cường thực hiện các biện pháp vệ sinh lớp học, làm sạch đồ chơi hằng ngày. Giám sát tình hình sức khỏe học sinh tại trường học, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời.
Để chủ động phòng tránh bệnh, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn chín, uống chín, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.