Số trẻ em mắc bệnh tay chân miện tăng nhanh liên tục trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa
Ngày 10/10, TS.BS Đỗ Thiện Hải - Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho VTV News biết, thống kê từ đầu tháng 7/2020 đến nay, số trẻ đến khám vì tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng nhanh liên tục. Hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú, phần lớn đều trong tình trạng nặng.
Điển hình như trường hợp bé T. (2 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng chân tay run rẩy, kích động, quấy khóc kèm theo nôn trớ. Các bác sĩ đã chọc dịch não tủy và xác định cháu có dấu hiệu biến chứng não do mắc tay chân miệng.
Ngoài bé T., một trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng cũng trong tình trạng nặng đó là bé A. (13 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) đã 3 lần mắc tay chân miệng. Mẹ bé cho biết: 2 lần trước bé điều trị ở nhà và tự khỏi, nhưng lần này bị nặng hơn nhiều, sốt cao nhiều ngày. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc tay chân miệng mức 2B.
Theo bác sĩ Hải, thời điểm hiện tại, mỗi ngày có 15 - 20 trẻ nhập viện. Bệnh tay chân miệng là bệnh có thể dễ dàng lây qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong đó, thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12, số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng rõ rệt.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng, như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn…Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu.
Trong 1 đến 2 ngày đầu nhiễm bệnh, bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông...
Nhiều trẻ có dấu hiệu nhưng nhiều trẻ cũng không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không phát hiện. Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca bị biến chứng do tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.
Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh cần vệ sinh tay chân, không chỉ có trẻ mà cả người lớn trong nhà. Trước khi chi trẻ ăn phải rửa tay, sau khi ăn hay chăm sóc trẻ cũng phải vệ sinh cho trẻ và bản thân. Nếu thấy trẻ nổi các nốt ở tay, chân, miệng, phụ huynh cần theo dõi sát, khi thấy bất thường nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp.