Thứ năm, 28/03/2024 | 17:50
RSS

Đắk Lắk ghi nhận 666 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2020

Thứ hai, 05/10/2020, 16:35 (GMT+7)

Thời gian qua, do thời tiết chuyển mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển nên dẫn đến tình trạng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại Đắk Lắk tăng mạnh.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh tại Đắk Lắk

Ảnh minh họa.

Ngày 5/10, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 666 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng 48% so với cùng kỳ 2019.

Số ca bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện như CưM’Gar (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2019), Buôn Đôn, Krông Pắk (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019).

Trao đổi với VTV News, bác sĩ Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. 

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm học sinh đi học trở lại nên bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là  ở lứa tuổi mẫu giáo, nếu không đảm bảo công tác vệ sinh thì khả năng lây nhiễm bệnh là khó tránh khỏi.

Theo bác sĩ Phúc, bệnh tay chân miệng là bệnh có thể dễ dàng lây qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong đó, thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12, số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng rõ rệt.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng, như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn…Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu. 

Trong 1 đến 2 ngày đầu nhiễm bệnh, bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. 

Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông...

Do đó, để phòng chống bệnh tay chân miệng, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần chú ý hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. 

Ngoài ra, đối với người lớn, cần rửa tay thường xuyên; không cho trẻ bốc thức ăn, ngậm, mút đồ chơi; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và các dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn…

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN