Ngày 11/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An được biết, tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 911 ca mắc tay chân miệng Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh trong các tuần của tháng 9/2020.
Chỉ riêng tuần cuối cùng của tháng 9 (21/9 - 27/9) đã ghi nhận 146 ca mắc (tăng 118 ca so với tuần trước đó). Số ca mắc tăng nhiều ở các địa phương: huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An đã và đang tăng cường các biện pháp phòng chống, không để dịch lây lan bùng phát. Theo đó, tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến người dân; phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, vệ sinh môi trường, sát khuẩn đồ chơi của trẻ em tại trường học, nhà trẻ, cách ly điều trị kịp thời trẻ mắc bệnh, không để bệnh dịch bùng phát trên diện rộng.
Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng là bệnh có thể dễ dàng lây qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong đó, thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12, số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng rõ rệt.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng, như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn…Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu.
Trong 1 đến 2 ngày đầu nhiễm bệnh, bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông...
Nhiều trẻ có dấu hiệu nhưng nhiều trẻ cũng không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không phát hiện. Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca bị biến chứng do tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần vệ sinh tay chân, không chỉ có trẻ mà cả người lớn trong nhà. Trước khi chi trẻ ăn phải rửa tay, sau khi ăn hay chăm sóc trẻ cũng phải vệ sinh cho trẻ và bản thân. Nếu thấy trẻ nổi các nốt ở tay, chân, miệng, phụ huynh cần theo dõi sát, khi thấy bất thường nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp.