Thứ ba, 23/04/2024 | 22:45
RSS

Trung Quốc và Nepal đã thống nhất được về chiều cao đỉnh Everest

Thứ năm, 10/12/2020, 11:59 (GMT+7)

Sau hơn một thập kỉ tranh cãi, Trung Quốc và Nepal cuối cùng đã thống nhất được về chiều cao đỉnh Everest.

Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở biên giới Nepal và Trung Quốc trên dãy Himalaya. Đỉnh núi cao 8.848,86m, theo dữ liệu được các quan chức của hai quốc gia công bố vào ngày 8/12. Con số này cao hơn khoảng 1m so với độ cao được công nhận trước đó.

Cụ thể, theo CNN, thống nhất chung của Bắc Kinh và Kathmandu công bố ngày 8/12, đỉnh Everest cao 8.848,86m, cao hơn 0,86m so với ước tính trước đó của Nepal là 8.848m. Cuộc họp báo công bố chiều cao đỉnh Everest có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Kumar Gyawali và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Trước đó, vào năm 2005, Trung Quốc cho rằng ngọn núi này chỉ cao 8.844,43m, thấp hơn 3,7 m so với số liệu vào năm 1954. Để chấm dứt những tranh cãi thời gian qua, hai nước nhất trí cùng nhau đo đỉnh Everest, nằm ở khu vực biên giới, sau chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nepal vào năm ngoái.

Trung Quốc và Nepal đã thống nhất được về chiều cao đỉnh Everest

Đỉnh Everest. Ảnh: AP

Tuyên bố mới nhất này đánh dấu sự kết thúc của cuộc tranh luận kéo dài một thập kỉ về chiều cao chính xác của đỉnh Everest, được gọi là Sagarmatha ở Nepal và Qomolangma ở Tây Tạng (Trung Quốc). Trong suốt nhiều năm, cả Trung Quốc, Nepal và nhiều quốc gia khác đã đưa ra những cách tính khác nhau về chiều cao của Everest.

Dự án đo chiều cao đỉnh Everest là niềm tự hào đối với Nepal. Tôi cảm thấy tự hào vì chúng tôi đã hoàn thành dự án. Nepal và Trung Quốc đã cùng xử lý dữ liệu khảo sát và đưa ra kết quả cuối cùng”, Susheel Dangol – một quan chức Nepal nói với CNN.

Trong khi đó, theo một số nhà địa chất học, chiều cao của núi Everest có thể đã thay đổi sau trận động đất 7,8 độ năm 2015. Trận động đất nghiêm trọng này cướp đi sinh mạng của khoảng 9.000 người Nepal. Các chuyên gia cho rằng cùng với trận động đất, đỉnh Langtang Himal đã thấp hơn do tuyết lở.

"Trận động đất năm 2015 cũng là lý do chính khiến chúng tôi đo lại ngọn núi", ông Damodar Dhakal, người phát ngôn cơ quan khảo sát của Nepal, giải thích.

Được biết, kể từ khi được nhà leo núi New Zealand Edmund Hillary và sherpa người Nepal Tenzing Norgay chinh phục năm 1953, đến nay đã có 5.789 người leo lên đến đỉnh nóc nhà thế giới, theo dữ liệu từ Himalayan Database.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN