Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:11
RSS

Trêu đùa con chó 40kg, bé 3 tuổi bị cắn rách mặt

Thứ tư, 17/06/2020, 16:07 (GMT+7)

Bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương vùng mặt, người trong đó có vết thương sâu, dài chừng 5-6 cm, có khuyết hổng lớn phần mềm.

Vừa qua khoa Chấn thương - Chỉnh Hình, BV Sản Nhi Vĩnh Phúc có tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi Đ.T. T.H ở An Hòa - Tam Dương bị chó cắn khá nguy kịch.

Gia đình cho biết, cháu H là bé gái cân nặng chỉ 12kg nhưng rất hiếu động. Chiều ngày 14/6 vừa qua, trong lúc người thân không để ý, cháu có cầm búa gõ vào đầu con chó nhà nuôi (chó nặng 40kg) nên bị con vật này tấn công. Khi phát hiện sự việc gia đình vội đưa cháu tới BV Sản Nhi Vĩnh Phúc cấp cứu.

Bệnh nhi có nhiều vết thương vùng mặt, người, đau đớn. Trong đó, vết thương vùng trán sâu, dài chừng 5-6 cm, có khuyết hổng phần mềm lớn.

Trêu đùa con chó 40 kg, bé 3 tuổi bị cắn thương tâm
Bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương trên mặt và cơ thể.

Bác sĩ nhận định, bệnh nhi nhập viện kịp thời nên vết thương không phức tạp nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm Mỹ Bác sĩ đã rất cẩn trọng khi thực hiện khâu vết thương để đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục. Hiện sức khỏe và tâm lý cháu bé ổn định.

Qua đây các bác sĩ cùng khuyến cáo các gia đình có nuôi chó, đặc biệt là những nhà có con nhỏ cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định như: tiêm phòng, xích, nhốt chuồng, ra ngoài rọ mõm... đặc biệt là tránh xa tầm tay trẻ em để phòng các tai nạn đáng tiếc.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cắn không những ảnh hưởng đến cơ thể mà tâm lý trẻ cùng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra nếu không may chó dại cắn thì còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Để hạn chế đi những hậu quả nghiêm trọng từ vết chó cắn, các bác sĩ hướng dẫn người dân cách sơ cứu khi bị chó cắn như sau:

Cần tách rời quần/áo với vết cắn nhằm hạn chế việc nước bọt của chó dính trên quần áo sẽ tiếp tục bám vào vết thương.

Sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương.

Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Sau khi đã rửa sạch vết thương, cần kiểm tra ngay xem tình trạng của vết cắn ở mức độ nào để có hướng xử lý phù hợp. Nếu vết thương chỉ bị trầy xước nhẹ bên ngoài da thì có thể tự băng bó tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý không băng bó quá chặt vì sẽ khiến máu khó lưu thông.

Trong trường hợp vết thương quá nặng, nạn nhân mất nhiều máu thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Hà Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN