Thứ năm, 25/04/2024 | 19:09
RSS

Trẻ em nhập viện do tai nạn bỏng tăng đột biến

Thứ tư, 22/07/2020, 09:48 (GMT+7)

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ghi nhận số lượng bệnh nhi nhập viện do tai nạn bỏng tăng đột biến.

Sự kiện:
Tai nạn bỏng

Tai nạn bỏng ở trẻ em gia tăng đột biến

Trao đổi với PV Dân trí, BS Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do tai nạn bỏng. 

Hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ việc trẻ em đang bước vào thời kì nghỉ hè, trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm dẫn tới tình trạng trẻ thiếu người trông nom. Cụ thể, BS Giang chia sẻ về 3 trường hợp bệnh nhi gặp tai nạn bỏng mà bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị trong thời gian qua:

Số lượng trẻ em nhập viện do tai nạn bỏng tăng đột biến

Bé N.H.Đ bị bỏng nặng vùng mông và bộ phận sinh dục sau khi ngồi vào nồi canh. Ảnh: Dân trí

Trường hợp thứ nhất là bé N.H.Đ được đưa vào khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng bỏng nặng 2 vùng mông và ở bộ phận sinh dục. Theo lời kể của người mẹ, trước đó, khi gia đình dọn cơm giữa sàn nhà để chuẩn bị ăn, thì bé Đ. vô tình ngồi vào nồi canh đang nóng.

Nghe tiếng con khóc cả nhà bé cuống cuồng chạy vào xem cháu thì thấy cháu đứng cạnh nồi canh đã đổ lênh láng ra sàn nhà. Biết cháu bị bỏng, gia đình liền ngâm vùng bị bỏng của cháu vào nước lạnh trong khoảng 15 phút, sau đó đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra ngay.

Về trường hợp của bé Đ., BS Đặng Tất Thắng, khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết cháu bé nhập viện trong tình trạng bỏng tương đối nặng. Sau khi nhập viện, bé Đ được băng bó vết thương và điều trị tích cực bằng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.

Theo BS Thắng, điểm đặc biệt trong trường hợp của cháu bé này là vết bỏng 2 vùng mông và bộ phận sinh dục dễ bị nhiễm trùng khi bé đại tiện và tiểu tiện. Hiện tại, sau 10 ngày điều trị, vết thương của cháu bé đã ổn định và sắp được ra viện. Sau khi bệnh nhi này về nhà, chúng tôi vẫn tiếp tục kê đơn thuốc cho bé điều trị ngoại trú. 

Số lượng trẻ em nhập viện do tai nạn bỏng tăng đột biến

Bé Q. bị bỏng nặng phần bắp đùi. Ảnh: Dân trí

Trường hợp thứ 2 là bé L.M.Q, tai nạn bỏng xảy ra với bé trong quá trình Q. đang đi máy bay. Phải mất 2 tiếng sau, cháu bé này mới được đưa vào bệnh viện để điều trị.

Người nhà bệnh nhi cho biết, lúc Q. đang ăn mì tôm trong chuyến bay thì một người lớn vô tình làm đổ toàn bộ cốc mì xuống phần thân dưới của cháu bé. Tai nạn này không những khiến bé Q. bị bỏng nặng, mà vùng tổn thương cũng rất rộng, bao gồm: Vùng chậu, bộ phận sinh dục và bắp đùi. 

Ngay thời điểm xảy ra tai nạn, bé Q. được các nhân viên hàng không sơ cứu khẩn cấp bằng cách rửa vết thương, đắp gel lạnh và băng bó vùng bị bỏng. Đến nay, sau nhiều ngày điều trị tích cực, vết thương của Q. chưa hồi phục hoàn toàn nhưng đã dần ổn định. Dự kiến bệnh nhi này sẽ được cho ra viện trong vài ngày tới và chuyển sang điều trị ngoại trú bằng thuốc bôi để chống để sẹo.

Số lượng trẻ em nhập viện do tai nạn bỏng tăng đột biến

Tay và chân bé N.M.L bị bỏng do nước sôi trong ấm siêu tốc. Ảnh: Dân trí

Trường hợp thứ 3 là bé N.M.L là bị bỏng nước sôi do với tay vào ấm siêu tốc vừa đun nước xong. Ấm nước không may bị đổ làm cháu bị bị bỏng thêm cả vùng chân.

Mẹ của bé L. chia sẻ, do đây là lần đầu tiên con bị bỏng, lúc đó gia đình quá luống cuống, không biết phải sơ cứu cho bé như thế nào cho đúng, chỉ bọc tạm vết thương của bé rồi đưa thẳng đến bệnh viện.

Được biết, sau 8 ngày điều trị kháng sinh và tăng sức đề kháng thì tình trạng của cháu bé đã cải thiện đáng kể, khoảng 3-4 ngày nữa bệnh nhi này có thể xuất viện.

Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa tai nạn bỏng cho trẻ em

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn bỏng mà Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận trong thời gian gần đây. Từ thực tế lâm sàng, BS Giang cho rằng, hầu hết các tai nạn đáng tiếc này đều xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn trong gia đình, đồng thời thiếu biện pháp phòng ngừa trước tai nạn bỏng.

Theo BS Giang, khi trẻ bị bỏng thì tổn thương bỏng thường sâu, diễn tiến nhanh và điều trị khó khăn. Do đó, việc phòng tránh cho trẻ không bị bỏng là điều cần chú tâm hàng đầu.

Do đó, BS Giang khuyến cáo, người lớn trong gia đình cần phải có trách nhiệm chăm sóc, trông nom trẻ em cẩn thận, giữ trẻ tránh xa những vật có thể gây bỏng như phích nước, ấm đun điện, nồi canh… Ngoài ra, khi trẻ em bị bỏng thì việc sơ cứu ban đầu là cực kì quan trọng, để tránh tổn thương bỏng sâu thêm.

Khi tai nạn bỏng xảy ra, trước hết cần tách trẻ khỏi tác nhân gây bỏng; tiếp đó, cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; rồi ngâm vùng bị thương trong nước mát 15-20 phút; sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất.

Đặc biệt, người lớn tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền trên mạng như bôi nước mắm, kem đánh răng vào vết bỏng vì sẽ khiến tổn thương nặng thêm, BS Giang cho hay.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN