Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với 2 năm trước đó. Năm 2018, đến nay đã có hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 954 trường hợp dương tính, 1 ca tử vong tại Hưng Yên trên nền viêm phổi kéo dài.
So với cùng kỳ năm 2017 (251 ca sốt phát ban, 41 ca dương tính sởi), số ca sốt phát ban nghi sởi 2018 tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần. Trong đó nhóm 1-5 tuổi chiếm chủ yếu (36%). Các tỉnh có số sốt phát ban và sởi dương tính cao là Hà Nội Lào Cai, Thanh Hóa Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên…
Trẻ bị sởi thường kén ăn, khó ăn. Tuy nhiên, nếu muốn trẻ nhanh hồi phục, cha mẹ phải chú ý bổ sung cho trẻ đủ dinh dưỡng và tránh những thực phẩm có thể làm bệnh trở nên nặng hơn. Dưới đây là hướng dẫn từ viện Dinh dưỡng giúp các phụ huynh biết cách chăm sóc khi con mắc sởi, giúp trẻ nhanh khỏi.
Đối với trẻ còn đang trong độ tuổi bú, mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn bình thường.
Trẻ bị sởi nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, hạn chế thức ăn đặc, khô. Bởi trong giai đoạn bệnh, hệ tiêu hóa của trẻ làm việc không ổn định, dễ bị bệnh về đường tiêu hóa đi kèm như: nôn mửa, tiêu chảy, chảy máu đường tiêu hóa nếu cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều xơ,...Do đó, khi mắc bệnh sởi, nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm được chế biến dạng lỏng dễ ăn như: cháo, súp, canh, sữa,...
Tuy nhiên thức ăn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, chất béo, giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu. Không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.
Đặc biệt, để nhanh khỏi bệnh cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm mau lành các tổn thương, đặc biệt là tổn thương ở mắt, chống mù lòa.
Lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...) cũng rất tốt cho trẻ bị sởi. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.
Bên cạnh đó có thể cho trẻ uống nước ép trái cây như: lê, táo, chuối, đu đủ...hoặc uống nước cam, nước chanh, bưởi đều đặn trong ngày, vì nó có thể giảm bớt tình trạng ăn mất ngon của trẻ do miệng bị nhiễm trùng. Đây là những loại quả giàu vitamin C giúp làm giảm tình trạng mất nước và tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.
Những thực phẩm nên tránh
Bên cạnh việc đưa ra lời chuyên bổ sung thực phẩm tốt cho trẻ mắc bệnh sởi, chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra những thực phẩm nên tránh:
– Khi bị sởi không nên ăn các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, hành tây, tỏi… có thể gây ra các phản ứng trợ nhiệt, động huyết, tăng nổi sởi dày hơn.
– Không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, được chiên, xào, có nhiều dầu mỡ. Các loại bánh kẹo, sô cô la… cũng nên hạn chế ăn khi bị sởi bởi có thể tạo ra phản ứng sinh nhiệt, tăng nổi sởi.
- Bên cạnh đó thì những thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa hàm lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị sởi ở trẻ em.
Xem thêm Clip: Mẹo gọi sữa về cực nhanh cho các mẹ mới sinh