Thứ tư, 24/04/2024 | 14:02
RSS

Đã có hơn 400 ca mắc sởi ở Hà Nội, TP. HCM chớm dịch

Thứ hai, 08/10/2018, 13:37 (GMT+7)

Dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội khi có tới 400 trường hợp mắc sởi. Tại TP. HCM cũng đang xuất hiện dịch.


Thời gian tới, thời tiết chuyển mùa thu đông là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh sởi

Chiều 7/10, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đến hết ngày 5/10, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 404 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 219 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện thị xã; chưa phát hiện ca tử vong.

Theo Thanh niên, qua giám sát dịch, Hà Nội ghi nhận 3 vụ dịch sởi trong 8 năm qua. Trong đó, năm 2000 ghi nhận vụ dịch nhỏ (149 trường hợp); 2009 dịch vừa (837 trường hợp) và năm 2014 dịch lớn nhất (1.741 trường hợp, 14 tử vong).

Bên cạnh Hà Nội, dịch sởi cũng đang có nguy cơ quay lại TP. HCM sau một năm vắng bóng.

Trả lời VnExpress ngày 8/10, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết tuần qua có 25 trẻ nhập viện do sởi, tăng 10% so với trung bình bốn tuần trước. 

Số bệnh nhi sởi tại TP HCM tăng nhanh từ đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần có khoảng 15-20 ca. Hiện cả 24 quận huyện đều xuất hiện bệnh nhân, tập trung nhiều ở Thủ Đức, quận 7, 9, 12, Bình Tân...


Số ca bệnh sởi diễn tiến theo tuần tại TP HCM trong năm 2018

Trả lời Zing news, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết khi các bác sĩ đang gồng mình chống dịch tay chân miệng thì dịch sởi cũng “tát nước theo mưa”. 

Theo các chuyên gia, thời gian tới, thời tiết chuyển mùa thu đông là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh sởi vì vậy phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.

Để phòng bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng. Ngoài ra cha mẹ cũng cần thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng nước và xà phòng. Người chăm sỏc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên để không lây bệnh cho trẻ. Che miệng che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn vào thùng rác. 

Nếu trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban.

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy bệnh dễ mắc thành dịch.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong.



Xem thêm Clip: Dưa chua và nguy cơ bạn có thể bị ngộ độc

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN