Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:27
RSS

Mẹ chủ quan không tiêm phòng, nguy cơ mắc bệnh sởi của con gia tăng

Thứ sáu, 21/09/2018, 18:30 (GMT+7)

Gần đây, tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi gia tăng ở tại nhiều địa phương, đặc biệt trong thời gian xuất hiện ổ dịch.

Vì sao ngày càng nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi?
Việt Nam hiện nay, tỷ lệ mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi gia tăng. Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, nhiều người đặc biệt là các bậc cha mẹ đã chia sẻ lo lắng về việc gia tăng trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến giai đoạn tiêm phòng đã mắc bệnh sởi. Thông tin này được nhiều chuyên gia ghi nhận tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giải đáp về bệnh sởi và vắc xin sởi do Việt Nam sản xuất" do báo Báo VietnamPlus tổ chức.

Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng do nhiều trẻ lớn đã được tiêm chủng nên số ca mắc giảm đi.

"Trong các năm gần đây, tỷ lệ mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi gia tăng, tại nhiều địa phương, đặc biệt trong thời gian xuất hiện ổ dịch. Tình trạng này có thể giải thích là do trẻ lớn đã được tiêm chủng và phòng bệnh nên số ca mắc giảm đi.

Trong khi đó, trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch tồn lưu do mẹ truyền cho nhưng ở mức rất thấp hoặc không còn kháng thể. Do vậy, nhóm trẻ này rất dễ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn lây từ những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em" - tiến sĩ Tuyền cho biết.

Trước những nguy cơ trẻ có thể mắc sởi từ sớm, tiến sĩ Tuyền lưu ý cha mẹ cần rửa tay, vệ sinh trước khi chăm sóc cho trẻ. Những người tiếp xúc gần với trẻ trong gia đình cần được tiêm chủng vắcxin sởi đơn hoặc phối hợp. Đặc biệt, anh chị em trong độ tuổi đi học cần được tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi để phòng bệnh cho chính mình và trẻ nhỏ dưới 9 tháng.

Tiến sĩ Tuyền cho biết thêm: "Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét các biện pháp tiêm chủng để chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi tại những vùng nguy cơ cao".

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Khoa Truyễn nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì cho rằng: "Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường có miễn dịch từ mẹ truyền sang nên sẽ bảo vệ không bị sởi. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn gặp nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc sởi, nguyên nhân có thể do trẻ chưa có được miễn dịch từ mẹ sang con".  

Chính vì vậy, tiến sĩ Lâm cảnh báo với phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm phòng sởi và rubella để có được kháng thể bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi. Việc tiêm phòng sởi nên được thực hiện trước khi mang thai 3 tháng.

Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi tiêm chủng hai mũi vắc xin sởi đẩy đủ vào các thời điểm là 9 và 18 tháng tuổi. 

Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban tại 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 954 trường hợp mắc sởi dương tính tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ là không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắcxin sởi.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận gần 500 trẻ bị mắc sởi và hầu hết là các trẻ đều chưa được tiêm chủng. Mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 10-12 ca trẻ mắc sởi phải nhập viện


Xem thêm bài thuốc từ quất xanh giúp trị dứt cơn đau họng, sổ mũi do cảm cúm

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN