Thứ năm, 10/10/2024 | 17:29
RSS

Coi thường tiêm vắc xin, người dân đối mặt với dịch sởi bùng phát nghiêm trọng

Thứ sáu, 21/09/2018, 11:48 (GMT+7)

Thống kê cho thấy có đến 7 trong số 10 nước phát triển ở Châu Âu mất niềm tin vào vắc xin khiến người dân đối mặt với dịch sởi đang bùng phát.

Bệnh sởi bùng phát vì châu Âu mất niềm tin vào vắcxin
Riêng 6 tháng đầu năm 2018 có tới hơn 41.000 trẻ em và người lớn bị mắc bệnh sởi ở khu vực châu Âu

Theo bản đồ tiêm chủng của Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), nhiều quốc gia như Pháp, Ý, Nga, Serbia... tỷ lệ người dân tiêm phòng vắc xin sởi đã giảm đáng kể, xuống mức 85-94% trong năm 2017. Trong khi các chuyên gia cảnh báo mức độ an toàn phải là từ 97% trở lên.

"Nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm dưới 95%, sởi sẽ dễ dàng lây lan và trở thành đại dịch. Chưa kể, ngoài sởi, con người cũng sẽ đối mặt với nhiều dịch bệnh khác", tiến sĩ Pauline Paterson từ Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cảnh báo trên CNN. 

“Một bi kịch không thể chấp nhận”

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số người bị sởi đã đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 41.000 ca sởi được ghi nhận ở châu Âu, với số người tử vong là 37 bệnh nhân. Số ca mắc sởi cao gấp đôi so với số ca mắc bệnh sởi của cả năm 2017 là 23.927 người.

Tiến sĩ Mark Muscat người phụ trách việc sử dụng vắc xin tại Văn phòng khu vực châu Âu của WHO cho biết: “Đây là một bi kịch không cần thiết và không thể chấp nhận được khi chúng tôi có một vắc-xin an toàn, hiệu quả có sẵn để phòng ngừa bệnh này”.

Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 23.000 ca. Tiếp đó là Pháp, Georgia, Hy Lạp, Italy, Nga và Serbia; mỗi nước ghi nhận ít nhất 1.000 bệnh nhân.

Lý do duy nhất giải thích tình trạng trên là tỷ lệ tiêm chủng quá thấp. Kết quả nghiên cứu do Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) thực hiện cho thấy 7 trên 10 quốc gia mất niềm tin nhất vào vắc xin nằm ở châu Âu. Pháp dẫn đầu với 41% người tham gia khảo sát không đồng ý với quan điểm "vắc xin an toàn". Sau Pháp là Nga (27%), Ukraine (25%) và Italy (21%), theo IFL.

Bệnh sởi bùng phát vì châu Âu mất niềm tin vào vắc xin
7 trên 10 quốc gia mất niềm tin nhất vào vắc xin nằm ở châu Âu (ảnh: IFL)

Tiến sĩ Nedret Emiroglu, giám đốc của nhóm Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và bệnh truyền nhiễm (WHO) cho rằng: "Mọi quốc gia phải tiếp tục đẩy mạnh phạm vi tiêm phòng, thậm chí sau khi đạt được đến tỷ lệ được đánh giá là đã loại bỏ bệnh”.

Bệnh sởi là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cao lây lan từ người sang người bằng cách hít thở không khí bị ô nhiễm hoặc chạm vào một bề mặt bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể bắt đầu với sốt cao, ho, chảy nước mũi hoặc đỏ và chảy nước mắt. Sau 3 đến 5 ngày, phát ban thường xuất hiện.

Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm não. Thống kê cho thấy bệnh sởi là một nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em. Theo WHO, 450 trẻ em trên toàn thế giới tử vong mỗi ngày vì bệnh sởi.

Tiến sĩ Pauline Paterson nhấn mạnh rằng vắcxin thực sự có hiệu quả và tiêm phòng là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và phòng tánh bệnh tật và khuyến cáo người dân cần tin vào các bằng chứng khoa học thay vì nghe theo những quan niệm sai lầm vô căn cứ. 


Xem thêm VN ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

Ngọc Châu (theo IFL)
Theo Đời sống Plus/GĐVN