Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:16
RSS

TP.HCM đã có hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, số ca tử vong cao nhất trong 10 năm

Thứ ba, 04/10/2022, 06:44 (GMT+7)

K\ể từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã có hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết và 25 ca tử vong, đây cũng là số ca tử vong chưa từng ghi nhận trong 10 năm liên tiếp.


Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm tới ngày 25/9, toàn thành phố (TP) đã ghi nhận 61.618 ca mắc sốt xuất huyết tăng 589,9% với cùng kỳ năm 2021 là 8.641 ca.

Phát biểu tại buổi giao ban sáng ngày 3/10 của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý 4/2022, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ông Tăng Chí Thượng cho biết, trong tuần qua, TP ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP đã có 25 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

"Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào ghi nhận 25 ca tử vong như thế này trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống", ông Thượng nói. Theo Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh trên địa bàn vào quý 4/2022 còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục kiểm soát và không thể chủ quan.

Đồng thời, theo Sở Y tế TP.HCM thông tin, số ca nặng do sốt xuất huyết năm nay đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ. Bên canh đó, các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng cao do đang vào đỉnh dịch hằng năm (từ tháng 7-11). Do đó, người dân không được chủ quan trước dịch bệnh, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp, HCDC khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành. Người mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy đa tạng, sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu, thậm chí có thể tử vong.

Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. L

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại